Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội: Đói vốn, trễ hẹn 12 năm
Đến thời điểm hiện tại, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội thuộc diện dự án chậm tiến độ nhất cả nước.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội, thế nhưng, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sau đó đã trở thành một trong những dự án "rùa bò" nhiều tai tiếng nhất. Đến thời điểm hiện tại, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội thuộc diện dự án chậm tiến độ nhất cả nước.
Dự án khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, bị dừng triển khai và đến tháng 9/2010, dự án phải khởi công lần 2 và tiến độ được lùi tới năm 2015.
Sau đó, dự án thi công ì ạch, liên tục phải lùi ngày hoàn thành đến năm 2016, 2017 và 2018. Đến giữa năm 2016, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định dự án phải tiếp tục lùi ngày hoàn thành về năm 2019. Nguyên nhân do gói thầu số 3, thi công hầm và 4 ga ngầm và gói thầu số 1 thi công tuyến trên cao chậm so với kế hoạch đề ra.
Kèm theo những lần lùi tiến độ, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỷ, đến nay tổng mức đầu tư đội lên 36.000 tỷ đồng.
Đại diện nhà thầu cam kết đảm bảo tiến độ đề ra để tuyến metro khai thác thương mại vào năm 2021. Tuy nhiên, mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết lại phải lùi tiến độ đến cuối năm 2022.
Báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi kiểm tra tiến độ thi công dự án, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB cho hay, tiến độ thực hiện dự án chậm trễ kéo dài do gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Nguyên nhân khiến dự án bị kéo dài, ông Minh cho rằng có cả chủ quan và khách quan như: năng lực và kinh nghiệm quản lý dự án của chủ đầu tư đối với dự án lớn và phức tạp hạn chế; công tác quản lý hợp đồng với tư vấn Systra còn bất cập; Tư vấn Systra là tư vấn lớn nhiều kinh nghiệm về đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm vệ hệ thống quản lý, quy trình thủ tục ở Việt Nam, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Về nguyên nhân khách quan, ông Minh cho rằng giải phóng mặt bằng chậm; vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng…
Năm 2017 MRB được giao giải ngân 1.641 tỷ đồng, tuy nhiên nhu cầu thi công thực tế cần đến 3.320 tỷ đồng. Năm 2018 MRB được giao giải ngân 1.100 tỷ đồng, nhưng nhu cầu thực tế là hơn 2.500 tỷ.
Đến nay dự án mới thi công được 41% khối lượng công việc. Thành phố đã chỉ đạo MRB yêu cầu nhà thầu, tư vấn điều chỉnh tổng tiến độ dự án. Thời gian kết thúc dự án kéo dài từ 21/12/2018 đến cuối năm 2022. Thành phố đã trình Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh tiến độ dự án.
Ông Minh cũng cho biết, vấn đề lớn nhất dự án gặp phải hiện nay là thiếu vốn. Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho dự án.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, do Hà Nội đã đạt trần giới hạn vốn vay ODA nên không thể vay thêm, dẫn đến thiếu vốn để rót vào dự án. Hà Nội đang rất cần Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện để huy động thêm nguồn vốn thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, từ kế hoạch giải ngân đã được lập, các đơn vị và Hà Nội cần rà soát lại kế hoạch sử dụng vốn cho từng thời điểm, từ đó có các đề xuất, kiến nghị để lãnh đạo Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.