Elon Musk rút 5,7 tỷ USD cổ phiếu Tesla làm từ thiện
Khoản từ thiện của ông Musk, hiện là người giàu nhất thế giới, được thực hiện đúng lúc tỷ phú này đang bán hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla để nộp thuế...
Một báo cáo gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) của Tesla cho biết tỷ phú Elon Musk, CEO của công ty, đã rút hơn 5 triệu cổ phiếu Tesla để làm từ thiện trong khoảng thời gian từ ngày 19-29/11/2021.
Tính theo giá cổ phiếu Tesla đóng cửa ngày 14/2, hơn 5 triệu cổ phiếu nói trên trị giá khoảng 4,42 tỷ USD. Tuy nhiên, tính theo giá cổ phiếu bình quân từ ngày 19-29/11/2021, số cổ phiếu này trị giá hơn 5,7 tỷ USD. Bên nhận là một tổ chức chưa xác định và cũng không được nhắc tên trong báo cáo.
Khoản từ thiện của ông Musk, hiện là người giàu nhất thế giới, được thực hiện đúng lúc tỷ phú này đang bán hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla để nộp thuế cho việc sử dụng các quyền chọn mua cổ phiếu hãng xe điện này với giá rẻ. Đây là các quyền chọn mà Musk nhận được sau khi đưa công ty đạt được các cột mốc về doanh thu và vốn hóa, nằm trong gói thưởng dành cho ông được ban giám đốc Tesla duyệt vào năm 2018.
Đáng chú ý, khoảng thời gian Musk bán cổ phiếu để làm từ thiện diễn ra không lâu sau khi Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) vạch ra một kế hoạch sử dụng 6 tỷ USD tài trợ từ Musk nếu ông quyên góp.
Mọi chuyện bắt đầu từ dòng đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào ngày 31/10/2021 của ông Musk, trong đó tỷ phú này nói rằng ông sẽ bán cổ phiếu Tesla và quyên góp 6 tỷ USD cho WFP nếu như tổ chức này có thể mô tả chính xác 6 tỷ USD có thể giúp giải quyết nạn đói trên thế giới như thế nào. Phản ứng trước dòng tweed của người giàu nhất thế giới, David Beasley, Giám đốc của WFP, ngày 15/11 đã vạch ra kế hoạch nói trên. Theo báo cáo gửi SEC trên, ông Musk đã bắt đầu bán cổ phiếu Tesla để làm từ thiện vào ngày 19/11.
Người phát ngôn của WFP Steve Taravella từ chối tiết lộ thông tin về các khoản từ thiện của mình. Trong khi đó, Tesla cũng không phản hồi đề nghị cung cấp thông tin liên quan tới khoản từ thiện nói trên của ông Musk. Hãng xe điện này đã giải thể bộ phận quan hệ công chúng vào năm 2020.
“Để bày tỏ sự tôn trọng đối với những người ủng hộ mình, WFP luôn để các nhà tài trợ tự tiết lộ thông tin liên quan tới việc từ thiện của họ”, ông Taravella cho biết trong email gửi tờ MarketWatch.
Về phía Musk, ông không đưa ra phản hồi công khai với kế hoạch của Giám đốc WFP Beasley, dù người này đã gắn thẻ tỷ phú giàu nhất thế giới trong các dòng tweet kêu gọi sự ủng hộ của những tỷ phú nổi tiếng thế giới.
Theo các nhà phân tích, Musk có khả năng đã quyên góp số cổ phiếu Tesla nói trên cho WFP, nhưng cũng có thể quyên góp cho tổ chức từ thiện của chính mình - Musk Foundation, được ông thành lập vào năm 2002 và tính đến tháng 6/2020 mới chỉ có chưa đầy 1 tỷ USD.
Các tỷ phú thế giới thường có xu hướng bán cổ phiếu của các công ty mà họ sở hữu để quyên góp cho các tổ chức từ thiện của chính mình, trước khi quyên góp cho những tổ chức khác.
Năm 2012, Musk đã ký tên tham gia Giving Pledge – một sáng kiến do tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, kêu gọi các tỷ phú giàu nhất thế giới dành phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Trong đó, Musk cam kết sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản của mình khi ông còn sống hoặc sau khi qua đời. So với các tỷ phú khác, Musk khá kín tiếng về hoạt động từ thiện cho tới năm ngái.
Năm 2021, ông thông báo quyên góp 100 triệu USD để giúp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như nhiều khoản khác như 1 triệu USD cho ngân hàng thực phẩm tại Texas, theo Vox. Đôi khi, ông cũng thông báo hoạt động từ thiện trên Twitter, đơn cử như 50 triệu USD cho nghiên cứu về ung thư ở trẻ em hồi tháng 9/2021.