Esoft Systems: “Việt Nam là thị trường cầu nối đến châu Á”
“Có được một liên doanh và kinh nghiệm làm việc ở thị trường Việt Nam thì sẽ dễ dàng tiếp cận được thị trường châu Á”
Một phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay gồm 30 công ty Đan Mạch trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử đang có chuyến thăm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16 đến 20/4.
Nhân dịp này, Công ty Esoft Systems của Đan Mạch sẽ ký kết thành lập công ty liên doanh với Công ty Graphical Vietnam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Renne Dines, Giám đốc điều hành tập đoàn.
Tại sao Esoft Systems lại chọn thị trường Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, thưa ông?
Quá trình quốc tế hoá đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới và chúng tôi đã quyết định lập văn phòng tại Pháp và Thụy Điển.
Chúng tôi chọn Việt Nam bởi Việt Nam có những lợi thế lớn về tiết kiệm chi phí. Việc sử dụng lợi thế lao động rẻ sẽ rất tốt nhưng đó lại không phải là lý do chính chúng tôi đến Việt Nam. Lý do quan trọng hàng đầu mà chúng tôi quyết định đầu tư vào Việt Nam là làm thế nào để sử dụng Việt Nam như một cầu nối đến các thị trường của khu vực châu Á.
Công ty của chúng tôi là một công ty Đan Mạch nhưng nếu chúng tôi ở Đan Mạch để kết nối với thị trường châu Á sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, có được một liên doanh và kinh nghiệm làm việc ở thị trường Việt Nam thì sẽ dễ dàng tiếp cận được thị trường châu Á.
Sau khi liên doanh được thành lập, thị trường sẽ đón nhận sản phẩm gì?
E-soft Systems đã hiện diện tại thị trường Việt Nam được gần một năm và chúng tôi đã hợp tác với Vietnam Graphical để sản xuất phần mềm. Sản phẩm đầu tiên đã được ra đời vào tháng 2 vừa rồi và tôi rất ấn tượng các nhân công Việt Nam có thể học nghề nhanh như thế.
Sản phẩm phần mềm đó dành cho lĩnh vực nào, thưa ông?
Chúng tôi chuyên cung cấp sản phẩm phần mềm cho các công ty bất động sản. Những năm vừa qua việc quản lý thị trường bất động sản của Việt Nam bao gồm việc bán hay mua một ngôi nhà phải mất rất nhiều công sức và thời gian.
Chính vì vậy, thông qua các đơn vị mua bán bất động sản chúng tôi đã thiết kế ra những phần mềm để người mua, bán bất động sản quản lý giao dịch của mình một cách hiệu quả. Vấn đề đặt ra lúc này chỉ là làm thế nào đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, E-soft Systems có gặp khó khăn?
Việt Nam có nhiều tiềm năng để thành công, tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy một số khác biệt so với Đan Mạch. Cụ thể, hậu cần thuê văn phòng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cao hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh, nâng tầm quy mô doanh nghiệp lên gấp 3 lần hiện nay nhưng khi tìm hiểu thấy chi phí thuê văn phòng khoảng 20-30 USD/m2/tháng, cao hơn so với Đan Mạch.
Đặc biệt, tốc độ đường truyền Internet tại Việt Nam còn rất chậm, chúng tôi mong muốn tìm được nhà cung cấp dịch vụ Internet tốt với giá cả phải chăng. Ngoài ra mức lương trả cho nhân viên tại Việt Nam cũng có khác biệt, chỉ trả trong vòng 8 tiếng thôi, nếu làm quá thời gian phải trả thêm tiền ngoài giờ. Mặc dù, ở đây đang có sự khác biệt về chi phí nhưng tôi vẫn lạc quan về viễn cảnh của Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm để gặt hái thành công ở Việt Nam cho đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường Việt Nam lần này?
Trước tiên cần tìm kiếm đối tác phù hợp. Tp.HCM là nơi có tốc độ phát triển nhanh chóng và ở một số khía cạnh mức độ phát triển đó có thể phù hợp với Copenhagen, còn Hà Nội cần cân nhắc xem vị trí có phù hợp không. Một bí quyết khác liên quan đến quá trình thực hiện dự án, có thể chia thành 3-5 bước thực hiện.
Đầu tiên phải tìm hiểu thị trường Việt Nam để có bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư, về lĩnh vực mình định kinh doanh, sau đó phân tích và so sánh để đặt mục tiêu rõ ràng. Nếu chúng ta không biết rõ cái mà mình chờ đợi thì khó lựa chọn được đối tác phù hợp. Vấn đề nữa là tiếng Anh, thông qua ngôn ngữ chung để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, ý tưởng của nhau.
Vấn đề quan trọng là nhân viên, cần cử nhà quản lý người Đan Mạch đặt tại Việt Nam, có chính sách lương thưởng phù hợp, tạo động cơ khuyến khích làm việc, trung thành với công ty.