EU đề xuất mua tín chỉ carbon bên ngoài để đạt mục tiêu khí hậu
Các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) có thể mua tín chỉ carbon ở mức hạn chế từ bên ngoài khối này để hỗ trợ cho mục tiêu giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2040...

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU) mới đây đã đưa ra dự thảo đặt mục mục tiêu mang tính ràng buộc pháp lý là giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính của khối vào năm 2040 so với mức phát thải năm 1990.
Đáng chú ý, EC đề xuất cho phép các nước thành viên mua tín chỉ carbon quốc tế chất lượng cao từ các nước bên ngoài khối để hỗ trợ mục tiêu này. Chẳng hạn, các nước EU có thể mua tín chỉ carbon ở dự án phục hồi rừng tại Brazil thông qua một hệ thống giao dịch tín chỉ carbon mới do Liên Hợp Quốc giám sát.
Tuy nhiên, các nước chỉ được sử dụng tín chỉ carbon quốc tế để hỗ trợ tối đa 3% mức giảm khí thải so với mục tiêu giảm 90% lượng phát thải vào năm 2040.
"Các tín chỉ carbon quốc tế sẽ được áp dụng để bù đắp cho lượng phát thải từ năm 2036. EU sẽ chỉ định các tiêu chí về chất lượng và nguồn gốc cho tín chỉ carbon quốc tế cũng như thông tin chi tiết về cách thức mua", đề xuất nêu rõ.
Đề xuất này nhằm giúp giảm mức đầu tư cần thiết của các ngành công nghiệp ở châu Âu để đạt được mục tiêu giảm phát thải 90%.
Theo đề xuất của EC, sự linh hoạt sẽ bao gồm việc tích hợp các tín chỉ từ các dự án loại bỏ carbon khỏi khí quyển vào thị trường tín dụng carbon của EU để các ngành công nghiệp châu Âu có thể mua nhằm bù đắp một phần lượng phát thải.
Nếu các quốc gia thành viên đồng ý và Nghị viện thông qua, mục tiêu sau đó được cho là sẽ chuyển thành mục tiêu quốc tế- gọi là đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC)- gắn với năm 2035, theo thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phản đối đề xuất này và cho rằng EU nên đạt được các mục tiêu của mình trong nước.
Ông Gareth Redmond-King, người đứng đầu quốc tế của nhóm nghiên cứu Energy and Climate Intelligence Unit, cho biết nếu một quốc gia phát thải lớn như vậy không đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải như đã chứng minh, thì tham vọng chung của toàn cầu sẽ thấp hơn mức có thể. "Điều này có nguy cơ làm suy yếu danh tiếng của EU về vai trò lãnh đạo khí hậu vào thời điểm đang rất cần thiết," ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ủy viên khí hậu EU, Wopke Hoekstra lại cho biết rằng các nước đang phát triển rất muốn nhận được tài trợ từ EU thông qua tín dụng carbon cho các dự án như trồng cây hoặc phục hồi rừng, và có thể đảm bảo rằng các khoản bù trừ như vậy sẽ dẫn đến việc giảm phát thải thực sự.
Tại hội nghị cấp cao EU ở Brussels diễn ra ngày 25/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh nhu cầu vừa đảm bảo lộ trình trình khử cacbon vừa duy trì khả năng cạnh tranh của khối.
Còn Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala bác bỏ kế hoạch cắt giảm phát thải 90%, kêu gọi một mục tiêu thực tế hơn. Ý và Ba Lan cũng không ủng hộ mục tiêu này vì lo ngại về chi phí đầu tư lớn. Các nước EU, Nghị viện châu Âu và EC sẽ đàm phán về mục tiêu cuối cùng trong các cuộc họp sắp tới.
EC lưu ý sẽ bổ sung thêm tính linh hoạt cho mục tiêu giảm phát thải 90% để ngăn chặn sự phản kháng của các chính phủ trong khu vực, vốn đang vật lộn để tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh cùng với các ưu tiên khác, như quốc phòng. Các ngành công nghiệp phát thải cao trong khu vực cũng than phiền các quy định về môi trường đầy tham vọng gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh.
Ngày 30/6, EC đã công bố khảo sát cho thấy 81% công dân EU ủng hộ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của khối và 77% tin rằng thiệt hại do biến đổi khí hậu không được kiểm soát sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh.
Dữ liệu này được công bố chỉ hai ngày trước khi trình đề xuất về mục tiêu cắt giảm khí thải mới cho năm 2040, và coi đây là một "sự ủy nhiệm của người dân" để tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Cuộc khảo sát cho thấy 88% người dân châu Âu cho rằng việc các nhà hoạch định chính sách có hành động thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là "rất quan trọng".
Tuy nhiên, người dân dường như không cho rằng các lựa chọn cá nhân của họ là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thay vào đó, họ tin rằng các doanh nghiệp, chính phủ quốc gia và EU là những bên có vai trò tốt nhất để thực hiện các hành động thực chất.
Ngoài ra, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa tin tức đáng tin cậy và thông tin sai lệch về khí hậu trên mạng xã hội, với 52% nói rằng các phương tiện truyền thông truyền thống không cung cấp thông tin rõ ràng về chủ đề này.
Chỉ 38% người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy bản thân đang trực tiếp đối mặt với các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.
"Người dân châu Âu đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, họ quan tâm đến khí hậu, họ cảm nhận được những rủi ro, và họ tin vào hành động”, Phó Chủ tịch Ủy ban Teresa Ribera, phụ trách chuyển đổi năng lượng và công nghiệp của châu Âu cho biết.
"Thỏa thuận Xanh không phải là một mục tiêu trừu tượng, đó là con đường chung hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh hơn, năng lượng ổn định hơn và một nền kinh tế phục vụ con người", bà Ribera, cựu Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha nói thêm. "Cuộc khảo sát này khẳng định rằng người dân sẵn sàng tiến về phía trước và họ mong đợi chúng ta dẫn dắt bằng sự rõ ràng và tham vọng."