08:29 29/10/2019

EU nhất trí cho Anh hoãn Brexit 3 tháng

An Huy

Với quyết định trên của EU, vụ “ly hôn” phức tạp giữa London với Brussels sẽ không diễn ra vào ngày 31/10 như dự kiến trước đó

Thủ tướng Anh Boris Johnson về văn phòng ở số 10 phố Downing, London, ngày 28/10 - Ảnh: Getty/CNBC.
Thủ tướng Anh Boris Johnson về văn phòng ở số 10 phố Downing, London, ngày 28/10 - Ảnh: Getty/CNBC.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/10 đã nhất trí cho Anh trì hoãn 3 tháng việc rời khỏi khối. Về phần mình, Thủ tướng Boris Johnson đang tìm cách tổ chức một bầu cử sớm vào tháng 12 để chấm dứt cuộc khủng hoảng Brexit đang bao trùm lên nước Anh.

Với quyết định trên của EU, vụ "ly hôn" phức tạp giữa London với Brussels sẽ không diễn ra vào ngày 31/10 như dự kiến trước đó, mà sẽ dời sang ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, với thế bế tắc hiện nay, không ai dám chắc cho tới khi nào Brexit mới được thực thi và có được thực thi hay không.

Ông Johnson, người khi lên nắm quyền đã tuyên bố bằng mọi giá đưa Anh rời EU muộn nhất vào ngày 31/10, hiện đang thúc đẩy nỗ lực nhằm tổ chức bầu cử sớm để kết thúc tình trạng mà ông gọi là thế bế tắc chính trị "ác mộng" gây suy giảm niềm tin của công chúng.

Chỉ vài giờ sau khi 27 nước thành viên EU nhất trí cho Anh hoãn Brexit, ông Johnson đề nghị Hạ viện Anh thông qua kế hoạch bầu cử vào ngày 12/12, với hy vọng nếu Đảng Bảo thủ cầm quyền thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử như vậy, kế hoạch Brexit mà ông đạt được với Brussels sẽ được thông qua dễ dàng trong Quốc hội.

Tuy nhiên, nỗ lực này của ông không thành công vì chỉ giành được 299 phiếu thuận, thấp hơn nhiều so với đa số 2/3, tức 424 phiếu, cần thiết. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Johnson tuyên bố sẽ nỗ lực lần nữa vào ngày thứ Ba để bầu cử sớm được tổ chức.

"Chúng ta sẽ không cho phép thế bế tắc này tiếp diễn, và bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải tiến hành bầu cử", ông Johnson phát biểu trước Hạ viện. "Hạ viện không thể hành động như kiểu giữ đất nước này làm con tin thêm nữa".

Đã gần 4 năm trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vào mùa hè năm 2016, nước Anh vẫn còn chia rẽ sâu sắc quanh Brexit.

Hiện tại, hầu hết các chính trị gia Anh đều đồng tình rằng nên tổ chức bầu cử sớm, nhưng họ muốn gây thiệt hại chính trị tối đa đối với ông Johnson - người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận - bằng cách ngăn không cho thỏa thuận Brexit mà ông đàm phán với Brussels được Quốc hội dễ dàng thông qua.

Ngược lại, ông Johnson cũng cáo buộc Quốc hội khiến Brexit không thể được thực thi vào ngày 31/10.

Trước lần hoãn này, Brexit đã bị hoãn hai lần, vào ngày 29/3 và 12/4, sau khi người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May ba lần thất bại trong nỗ lực đưa thỏa thuận Brexit thông qua tại Quốc hội Anh.

Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, ông Johnson miễn cưỡng chấp nhận việc hoãn Brexit như các nước khác trong EU đã nhất trí ở Brussels, nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác theo luật của Anh.

"Sự kéo dài không mong muốn địa vị thành viên của nước Anh trong EU đang làm hỏng nền dân chủ của chúng tôi", ông viết. "Tôi cũng kêu gọi các nước thành viên EU làm rõ rằng việc hoãn thêm Brexit sau thời hạn 31/1 là điều không thể. Hoãn đến ngày 31/1 là đã nhiều thời gian để chúng tôi phê chuẩn thỏa thuận rồi".