Eximbank được chấp thuận mở thêm 4 chi nhánh và 4 phòng giao dịch
Với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cho phép Eximbank mở thêm 4 chi nhánh và 4 phòng giao dịch mới, hệ thống mạng lưới hoạt động của Eximbank sẽ được tăng lên 215 đơn vị kinh doanh…
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận ngân hàng Eximbank đủ điều kiện thành lập 04 chi nhánh tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Định và Đồng Tháp và 04 Phòng Giao dịch: Hương Thủy (Chi nhánh Huế), Phước Bình (Chi nhánh Bình Phước), Hòn Đất (Chi nhánh Kiên Giang), Giá Rai (Chi nhánh Bạc Liêu).
Eximbank đã đáp ứng đầy đủ các quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước trong việc thành lập chi nhánh. Với sự chấp thuận này, hệ thống mạng lưới hoạt động của Eximbank sẽ là 215 đơn vị kinh doanh phục vụ khách hàng.
Với việc được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mở mới 04 chi nhánh và 4 phòng giao dịch, Eximbank sẽ đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp tại các địa phương nơi đây, đặc biệt chú trọng phát triển các ngành nghề mũi nhọn theo đặc thù kinh tế riêng của từng địa điểm.
Năm 2022 vừa qua là một năm Eximbank có sự tăng trưởng ấn tượng về kinh doanh. Cụ thể lợi nhuận trước thuế năm qua đạt 3.709 tỷ đồng.
Phần lớn các mảng kinh doanh của Eximbank có lãi tích cực trong năm qua. Trong đó, ngoài thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ, tăng 19%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu đến từ thu hồi xử lý nợ) tăng 68% lên 428 tỷ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, đạt 87 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả lợi nhuận khả quan như vậy, bên cạnh thu nhập từ lãi vay, Eximbank đã đẩy mạnh tăng trưởng các dịch vụ thanh toán, hoạt động thu hồi nợ và cắt giảm mạnh chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Eximbank hiện là một trong những ngân hàng vẫn duy trì được nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lâu đời luôn đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian dài, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu hàng đầu tại Việt Nam.
Một lý do khác giúp Eximbank có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm nay là nhờ giảm chi phí dự phòng so với cùng kỳ, cắt giảm các chi phí hoạt động để hỗ trợ khách hàng với quy mô ngày càng mở rộng.
Nhờ vậy để đáp ứng các nhu cầu về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng tại các địa phương có nhiều cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp, các địa bàn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, các địa phương đã đề nghị và được Ngân hàng Nhà nước cho phép Eximbank được mở mới 04 chi nhánh và 04 phòng giao dịch tại các địa bàn nêu trên.
Một trong những điểm nổi bật tại ngân hàng là mặc dù kết quả kinh doanh đạt được ấn tượng nhưng Eximbank vẫn chú trọng đến công tác an toàn hoạt động, ngân hàng luôn đảm bảo duy trì tỷ lệ an toàn vốn vững chắc với hệ số CAR theo Thông tư 41 luôn duy trì ở mức 12-13% (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là tối thiểu là 8%), tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn duy trình quanh mức 20 - 21% (quy định của Ngân hàng Nhà nước là =< 34%) đảm bảo các tấm đệm thanh khoản an toàn rất cao trước các biến động của thị trường nếu có.
Hội đồng quản trị Eximbank cũng vừa công bố kế hoạch kinh doanh 2023 để trình đại hội đồng cổ đông. Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Ban điều hành Eximbank cũng ước tính tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, ban điều hành Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay. Huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.