Facebook, Twitter đối diện thử thách "khó nhằn"
Những gì xảy ra với Facebook tuần qua thực sự là một “cú sốc” đối với hệ thống của Phố Wall
Trong nhiều tháng qua, nhà đầu tư cổ phiếu hai mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook và Twitter đã gạt bỏ lo ngại về nghi vấn các mạng này bị sử dụng để can thiệp bầu cử, về sự tăng cường giám sát của cơ quan chức năng, và về sự nổi lên của vấn đề bảo mật trong toàn ngành.
Suốt khoảng thời gian đó, giới đầu tư tin rằng Facebook và Twitter sẽ tiếp tục thu hút được khách hàng quảng cáo, đồng nghĩa các mạng này tiếp tục mang lại lợi nhuận cho họ.
Giá cổ phiếu Facebook thậm chí lập kỷ lục sau loạt tin xấu về vụ bê bối dữ liệu người dùng liên quan đến công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica có trụ sở ở London. Giá trị vốn hóa của Twitter cũng tăng gần gấp đôi từ đầu năm đến nay nhờ những kỳ vọng vào tình hình kinh doanh khởi sắc.
Nhưng theo hãng tin CNN, tất cả đã thay đổi trong tuần trước. Giá cổ phiếu Facebook và Twitter đã giảm 20% hoặc hơn trong vòng chỉ vài giờ sau khi mỗi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 2. Những báo cáo đó làm dấy lên lo ngại về việc liệu hai công ty có thể tiếp tục tăng trưởng như thế nào trong bối cảnh bị tăng cường giám sát và số lượng người dùng đang chững lại.
Vào hôm thứ Tư, Facebook - sau nhiều quý liên tiếp đạt tăng trưởng doanh thu ấn tượng - đã lên tiếng cảnh báo cổ đông rằng những ngày tươi đẹp đó có thể không còn nữa. Thay vào đó, mạng xã hội do Mark Zuckerberg sáng lập dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ giảm đáng kể do công tác bảo mật được tăng cường.
Tương tự, vào hôm thứ Sáu, Twitter cho biết mạng này đã bị giảm 1 triệu người dùng hàng tháng trong quý 2 do công ty nỗ lực thanh lọc những tài khoản giả mạo và tuân thủ các quy định giám sát mới của Liên minh châu Âu (EU). Twitter cảnh báo cổ đông rằng công ty có thể mất thêm hàng triệu người dùng trong quý 3 do "sự đầu tư mạnh mẽ" vào sự lành mạnh của nền tảng.
"Trên một vài phương diện, Twitter và Facebook đã buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh của mình", ông Daniel Ives, một nhà phân tích thuộc GBH Insights, nhận định. Hai công ty này đang đầu tư nhiều hơn vào bảo mật, điều chỉnh hoạt động thu thập dữ liệu để đáp ứng các yêu cầu mới ở châu Âu, và tập trung vào "làm sạch nền tảng của mình thay vì chỉ tập trung vào tăng doanh thu quảng cáo càng nhiều càng tốt".
Tuy nhiên, việc điều chỉnh mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo cho thích nghi với tiêu chuẩn bảo mật ngặt nghèo hơn mới chỉ là một phần của vấn đề. Cả Facebook và Twitter đều đã rơi vào trạng thái "kịch kim" về tăng trưởng lượng người dùng. Facebook hiện có 2,23 tỷ người dùng hàng tháng, trong khi Twitter có 335 triệu người dùng hàng tháng.
Facebook gần như đã đạt số người dùng tối đa có thể tại hầu hết các thị trường quan trọng nhất, gồm châu Âu, Mỹ và Canada. Bên cạnh đó, Facebook đang điều chỉnh trải nghiệm chính của người dùng, bằng cách nhấn mạnh tính năng "Stories" - một khuôn mẫu phổ biến mà Snapchat đi tiên phong, trong khi tính năng này có khả năng kiếm tiền không rõ ràng như News Feed.
"Câu hỏi đặt ra là tính năng này liệu có thể kiếm tiền với tốc độ như của News Feed hay không", bà Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động (COO) của Facebook, phát biểu vào tuần trước. "Thực lòng mà nói, chúng tôi cũng không thể biết được".
Những gì xảy ra với Facebook tuần qua thực sự là một "cú sốc" đối với hệ thống của Phố Wall. "Facebook vốn là một cỗ máy tăng trưởng, là ‘đứa con cưng’ của Phố Wall", ông Ives nhận xét.
Số lượng người dùng giảm sút của Twitter làm sống dậy những mối lo cũ rằng mạng này mãi mãi sẽ chỉ có khoảng 300 triệu người dùng mà thôi. Điều này làm dấy lên hoài nghi về khả năng của Twitter trong việc tăng doanh thu quảng cáo, và khiến câu chuyện về sự xoay chuyển tình thế kinh doanh của Twitter sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
"Twitter đã nói thẳng là các nhà đầu tư nên lường trước sự suy giảm lượng người dùng", nhà phân tích Michael Pachter thuộc Wedbush phát biểu. "Điều đó cũng giống như không có sự tăng trưởng doanh thu vậy".
Rõ ràng, các nhà đầu tư không thể bấm nút "like" cho một thông tin như vậy.