Facebook, Youtube chịu thêm chỉ trích khi để phát trực tiếp vụ xả súng ở New Zealand
Nhiều giờ sau khi video quay trực diện vụ xả súng đẫm máu ở New Zealand được phát trực tiếp, người dùng vẫn có thể dễ dàng tiếp cận nội dung này trên Facebook, Twitter, YouTube
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube đang đối mặt với nguy cơ bị kiểm soát mạnh hơn sau khi một nghi phạm trong vụ xả súng đẫm máu hôm 15/3 tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand đã phát sóng trực tiếp toàn bộ quá trình gây án lên Facebook và được người dùng chia sẻ lại trên các nền tảng khác, theo Bloomberg.
Dù các nền tảng này cho biết đã gỡ bỏ video ghi lại vụ xả súng cướp đi mạng sống của 49 người, theo nhiều người dùng, nội dung bạo lực này vẫn được lan truyền rộng rãi trên Facebook, Twitter, YouTube, cũng như trang thuộc sở hữu của Facebook - Instagram và WhatsApp, nhiều giờ sau khi được đăng tải lên từ tài khoản được cho là của nghi phạm. Người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng tiếp cận video này - được quay từ vị trí trực diện vụ xả súng - trong suốt quá trình diễn ra và sau vụ tấn công.
Facebook, YouTube - nền tảng chia sẻ video của Google, cùng nhiều mạng xã hội khác đang phải vật lộn để loại bỏ các nội dung xấu trên nền tảng của mình. Tại quê hương Mỹ, các mạng xã hội này cũng đang bị chỉ trích vì là nguồn cơn phát tán những thông tin sai lệch. Đây là nguyên nhân khiến người đồng sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm ngoái.
Tuần qua, phản ứng tiêu cực nhắm vào Facebook tăng lên mức cao nhất trong gần 8 tháng qua trên trang mạng xã hội Twitter, trong bối cảnh công ty này đang ráo riết xoa dịu những chỉ trích trên toàn cầu và đối mặt với nguy cơ bị điều tra về việc để cho các bên thứ ba tiếp cận dữ liệu người dùng, bao gồm những thông tin chưa được phép.
Vài năm trở lại đây, dịch vụ phát sóng trực tiếp đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển của các mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít người dùng đang lợi dụng công cụ này để lan truyền những nội dung mang tính công kích, bạo lực.
Năm 2017, một người cha ở Thái Lan đã phát trực tiếp video giết hại chính con gái của mình lên Facebook. Sau đó hơn một ngày, video này - với khoảng 370.000 lượt xem - mới được Facebook xoá bỏ. Cùng năm, video một người đàn ông bắn chết một người khác ở Cleveland, bang Ohio, Mỹ cũng được phát trực tiếp khiến nhiều người xem bị sốc.
Tháng 8 năm ngoái, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại một giải thi đấu game trực tuyến ở Jacksonville, Florida, cũng được quay và phát trực tuyến. Đầu năm ngoái, một người dùng nổi tiếng tên Logan Paul đã đăng tải video tự tử bằng cách treo cổ ở Nhật lên YouTube, buộc nền tảng chia sẻ video của Google phải xoá bỏ các tài khoản của người dùng này khỏi một chương trình ưu tiên quảng cáo.
Một phụ nữ đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ xả súng đẫm máu ngày 15/3 - Ảnh: Getty Images.
Trong vụ việc ở New Zealand, trước khi bắt đầu xả súng, nghi phạm đã thúc giục người xem đăng ký theo dõi (subscribe) kênh YouTube PewDiePie. Điều đáng nói là kênh YouTube này từng bị chỉ trích vì đăng tải những nội dung bạo lực. Đáp lại, YouTube cho biết đang "nỗ lực hết sức để loại bỏ mọi cảnh quay bạo lực".
"Trái tim chúng tôi như tan vỡ vì thảm kịch khủng khiếp xảy ra hôm nay tại New Zealand", YouTube nói trong một đăng tải trên trang Twitter ngày 15/3 và cho biết đã xoá bỏ video đó hàng nghìn lần nhưng nó vẫn có thể được tìm thấy.
Còn Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng có động thái nhanh chóng sau vụ việc. "Cảnh sát đã thông báo cho chúng tôi về video trên Facebook không lâu sau khi nó bắt đầu được phát sóng và chúng tôi đã nhanh chóng xoá bỏ cả tài khoản Facebook và Instagram của kẻ xả súng, cũng như video đó", Facebook cho biết trên tài khoản Twitter. "Chúng tôi cũng sẽ lập tức xoá mọi nội dung khen ngợi hay ủng hộ hành vi phạm tội và những kẻ xả súng ngay sau khi chúng tôi biết được".
Mia Garlick, giám đốc chính sách của Facebook tại Australia và New Zealand, cho biết "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với cảnh sát New Zealand trong suốt quá trình cuộc điều tra".
Theo Bộ trưởng Nội Vụ Anh, Sajid Javid, các công ty này cần phải hành động nhiều hơn. "Các công ty, @YouTube @Google @Facebook @Twitter thực sự cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn những nội dung bạo lực cực đoan trên nền tảng của mình", ông Javid nói trên Twitter.
Trước đó, vào sáng ngày thứ 6 (15/3), hai vụ xả súng liên hoàn nhằm vào những người đang cầu nguyện tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand đã khiến 49 người thiệt mạng và 20 người bị thương nặng. Thủ tướng New Zealand, Jacinda Arden, gọi vụ tấn công đẫm máu này là hành động khủng bố. Đây là một thảm họa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử New Zealand.