09:34 26/06/2012

FDI giảm sút, nhìn từ những lĩnh vực “đặc thù”

Hoài Ngân

Cân đong lợi ích quốc gia trước những kế hoạch đầu tư nhưng đi kèm nhiều yêu sách là bài toán khó cho các nhà quản lý

Dường như sự thay đổi của thị trường các sản phẩm công nghệ đã và đang khiến nhà đầu tư “nghĩ lại”.
Dường như sự thay đổi của thị trường các sản phẩm công nghệ đã và đang khiến nhà đầu tư “nghĩ lại”.
Dòng vốn FDI trên toàn cầu đang giảm sút đáng kể, khiến cho các nước tiếp nhận phải thay đổi chính sách tiếp nhận nếu không muốn “tụt hậu”, nhất là trong những lĩnh vực đặc thù.

Nhiều năm nay, Việt Nam vẫn liên tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành điện, một ngành được coi là “đặc thù” của Việt Nam. Kết quả đạt được không nhiều, dẫu cho trong năm 2011, đã có hai dự án quan trọng được cấp phép là nhiệt điện Mông Dương II và nhiệt điện Hải Dương.

Những hồ hởi từ hai dự án này rõ ràng không thể che đậy một thực tế là đầu tư nước ngoài vào ngành điện rất hạn chế, mặc dù theo Tổng sơ đồ phát triển điện quốc gia 7 cho giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư  cần thiết  cho giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 123,8 tỷ USD, một con số nằm ngoài khả năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các nhà đầu tư trong nước khác thì không phải ai cũng có tiềm năng. “Máu mặt” nhất là Petro Việt Nam thì gần đây đã nhận được chỉ đạo từ Chính phủ về việc “tập trung vào nhiệm vụ chính”, hơn nữa bản thân tập đoàn này cũng không sẵn vốn trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề là, ngay cả khi Việt Nam có muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, thì tình hình kinh tế ở châu Âu và những khó khăn khác của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu, sẽ giảm quy mô tín dụng dành cho các dự án ở châu Á.

“Theo một trong những ngân hàng tài trợ dự án hàng đầu cho biết, nhiều khả năng mỗi năm sẽ có thể chỉ có một một dự án điện được họ cấp vốn ở châu Á”, ông Tony Foster, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực điện ở Việt Nam, nói.
 
Chuyên gia này cho rằng, Việt Nam muốn là nước có được dự án này thì phải có những đề án hấp dẫn về mặt thương mại với nhà đầu tư, nhà tài trợ nước ngoài. Để đạt mục tiêu đó, các dự án sẽ phải đảm bảo mức lợi nhuận chấp nhận được và sự ổn định pháp lý cho các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài.  
 
Hơn bao giờ hết, chi phí đầu tư là thứ đang được đặt lên bàn cân. Hiện tại, hình thức BOT đang được các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện “yêu thích”, và mặc dù theo quy chế về dự án BOT, các doanh nghiệp BOT không phải trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, dự án BOT vẫn phải chịu một số loại chi phí đáng kể liên quan đến đất đai, trong đó “nặng” nhất là chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án nhiệt điện Mông Dương II của Tập đoàn AES là một trường hợp khá đặc biệt khi được cấp đất đã giải phóng mặt bằng. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như Mông Dương II. Thông thường, những dự án điện khác phải tự chịu chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí này có thể lên tới trên 50 triệu USD.

Một vấn đề khác là đa số các nhà máy nhiệt điện than có trong danh sách Tổng sơ đồ điện 7 được dự kiến sẽ sử dụng than nhập khẩu. Do lệ thuộc vào than nhập khẩu nền các nhà máy điện tương lai của Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng của biến động giá than.

Trong bối cảnh đang có tin đồn về việc chính phủ Inđonesia hạn chế xuất khẩu than, việc vận hành nhiều nhà máy trong số 45 nhà máy điện ở danh sách trên sẽ trở nên không kinh tế nếu giá than trên thị trường quốc tế tăng mạnh.

Trong khi đó, với lĩnh vực công nghệ cao, các nhà đầu tư cũng đang bày tỏ những lo lắng nhất định. Chẳng hạn dự án của First Solar tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải bỏ dở vì giá trên toàn cầu của loại tấm thu điện năng lượng mặt trời mà dự án dự kiến sản xuất giảm từ 90 USD xuống còn 30 USD một tấm trong vòng vài tháng, do trợ cấp từ các nước xuất khẩu.

Theo lý giải của nhà đầu tư, điều này đã làm mất đi tính khả thi của dự án và dự án đã bị bỏ dở. 

First Solar hẳn cũng đã rất tiếc nuối vì trên thực tế họ cũng đã bỏ ra khá nhiều công sức và tiền bạc để thúc đẩy dự án quan trọng này, và việc phải dừng dự án cũng là chuyện chẳng đặng đừng.

Không tuyên bố rõ ràng như First Solar, song sự chần chừ của tập đoàn Foxconn, một trong những “niềm hy vọng” của lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam trong việc triển khai các dự án mới cũng được giới đầu tư đặc biệt chú ý.

5 năm trước, khi bắt đầu vào Việt Nam, Foxconn tuyên bố đầu tư ít nhất 5 tỷ USD vào một chuỗi dự án công nghệ cao và ngay sau tuyên bố đó là hàng loạt thỏa thuận được ký kết với các tỉnh thành.

Nhưng cho đến nay, ngoài nhà máy tại Bắc Ninh đang hoạt động, thì tại các tỉnh thành khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định… các hoạt động của Foxconn vẫn cầm chừng và quy mô các dự án đã được cắt giảm đáng kể. Dường như sự thay đổi của thị trường các sản phẩm công nghệ đã và đang khiến nhà đầu tư này “nghĩ lại”.

Thời gian gần đây, Chính phủ liên tục nhận được các đề xuất “vượt khung” từ các nhà đầu tư công nghệ cao, như trường hợp Samsung và Nokia mới đây. Tuy nhiên, làm gì để hài hòa giữa vấn đề thu hút đầu tư và lợi ích thực tế mà Việt Nam nhận được vẫn đang là bài toán khó cho các cấp quản lý.