08:17 28/04/2021

Fed lạc quan hơn về kinh tế Mỹ, hứa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng

An Huy

Fed đưa ra quan điểm lạc quan hơn về phục hồi kinh tế Mỹ, nhưng còn quá sớm để tính chuyện rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng

Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 28/4 đưa ra quan điểm lạc quan hơn về sự phục hồi kinh tế Mỹ và cuộc chiến chống Covid-19 ở nước này, nhưng tuyên bố còn quá sớm để tính đến chuyện rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng vì vẫn còn nhiều người lao động mất việc làm trong đại dịch.

“Chưa đến lúc bắt đầu bàn chuyện thay đổi chính sách", Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo sau khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày. Trước đó, Fed đã đưa ra tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở khoảng 0-0,25% và chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng.

“Số việc làm ở Mỹ hiện vẫn giảm 8,5 triệu công việc so với thời điểm tháng 2/2020”, ông Powell nói. “Chúng ta còn cách rất xa mục tiêu… Sẽ phải mất một thời gian”.

Áp lực lạm phát ở Mỹ đang gia tăng, nhưng ông Powell nói rằng sự đi lên của giá cả trong thời gian tới sẽ chỉ mang tính chất tạm thời và không phải là một vấn đề dai dẳng có thể buộc Fed phải nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Lập trường của Fed được giữ nguyên: ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới muốn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng trong tương lai gần, cho dù sự phục hồi kinh tế đang tăng tốc và những rủi ro từ Covid đối với kinh tế Mỹ đang dịu đi. Chương trình tiêm chủng với tốc độ cao của Mỹ, cùng những gói kích cầu khổng lồ của Chính phủ nước này và chính sách siêu nới lỏng của Fed là những nhân tố đưa kinh tế Mỹ tiến tới đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ thập niên 1980. Theo một số dự báo, kinh tế Mỹ thậm chí có thể đạt mức tăng 9-10% trong năm nay.

“Với tiến trình tiêm chủng và sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã mạnh lên”, tuyên bố của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách trong Fed, có đoạn viết. Tuyên bố nhắc lại quan điểm từ những lần họp trước rằng “đường đi của nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình virus”, nhưng so với cuộc họp tháng 3, Fed đỡ bi quan hơn về cuộc khủng hoảng Covid.

Trong tuyên bố tháng 3, Fed xem virus corona đặt ra “những rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế”. Lần này, Fed nói “những rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn còn” do virus corona.

Cùng với ngôn ngữ lạc quan về triển vọng kinh tế, giới phân tích cho rằng giọng điệu của Fed trong tuyên bố lần này ít nhất có phát đi một tín hiệu mới. Đó là tín hiệu về một bước tiến nhỏ tới việc bắt đầu bàn xem đến lúc nào thì nên cắt giảm các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.  

“Fed đã bắt đầu rón rén theo hướng rằng triển vọng kinh tế tốt lên có thể sẽ mở đường cho thu hẹp QE và cuối cùng là tăng lãi suất”, nhà quản lý danh mục Steven Violin thuộc FL Putnam Investment Management Company nhận định.

Đây chính là lý do khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Tuy nhiên, thay đổi nhỏ trong tuyên bố của Fed đã được thị trường lường trước, nên mức giảm của chỉ số S&P 500 trong phiên này chưa đầy 0,1%.

Giới phân tích cho rằng các số liệu kinh tế Mỹ trong mấy tuần tới đây rất quan trọng. Các chuyên gia nhìn chung đều dự báo thị trường việc làm Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nếu những dự báo lạc quan nhất trở thành sự thật, Fed có thể bắt đầu bàn tới chuyện cắt giảm QE trong cuộc họp tháng 6.

“Chúng tôi tiếp tục cho rằng việc làm là chất xúc tác chính đối với Fed và thị trường trong năm nay”, một báo cáo của Jefferies có đoạn. “Dự báo sơ bộ của chúng tôi là nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 2,1 triệu việc làm mới trong tháng 4 và thêm 1 triệu việc làm mới nữa trong tháng 5. Bởi thế, cuộc họp tháng 6 của Fed sẽ thú vị hơn nhiều”.