06:40 29/07/2010

FED lại bi quan, chứng khoán Mỹ giật lùi

Dương Lâm

Thị trường đảo chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố Beige Book với nhiều nhận định không mấy khả quan

Chứng khoán Mỹ lại phủ màu ảm đạm - Ảnh: AP.
Chứng khoán Mỹ lại phủ màu ảm đạm - Ảnh: AP.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố tình hình kinh tế ở một số khu vực có dấu hiệu chững lại, cùng thông tin lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền giảm, đã kéo lùi chứng khoán Mỹ sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 39,81 điểm, tương ứng 0,38%, xuống 10.497,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,71 điểm, tương ứng 0,69%, xuống 1.106,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 23,69 điểm, tương ứng 1,04%, xuống 2.264,56 điểm.

Các chỉ số chính giảm điểm ngay từ đầu phiên nhưng mức giảm còn tương đối nhẹ và chỉ mạnh hơn khi tiến gần tới những phút cuối cùng. Kết thúc ngày giao dịch, nhóm cổ phiếu y tế giảm 0,93%, tài chính giảm 0,58%, công nghệ giảm 0,84%.

Lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền trong tháng 6 giảm 1%, mạnh hơn mức giảm 0,8% trong tháng liền trước. Đặc biệt, tốc độ suy giảm này trái chiều với dự báo tăng 1% của giới phân tích kinh tế.

Thêm vào đó, trong báo cáo Beige Book về các điều kiện kinh tế vừa công bố, FED cho rằng, kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục nhưng tốc độ ở mức khiêm tốn. Các hoạt động kinh tế ở 10/12 khu vực theo điều tra của FED không thực sự mạnh mẽ, thậm chí còn đuối sức trong thời gian gần đây.

FED lại bi quan, chứng khoán Mỹ giật lùi - Ảnh 1
Biểu đồ thị trường chứng khoán Mỹ phiên 28/7 - Nguồn: G.Finance.

Ngoài ra, việc tập đoàn chế tạo máy bay Boeing, thành viên thuộc chỉ số công nghiệp Dow Jones, công bố lợi nhuận quý 2 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cũng thêm một yếu tố kéo thị trường giảm điểm trong phiên hôm qua. Boeing dự báo lợi nhuận cả năm 2010 sẽ thấp hơn so với kỳ vọng của Phố Wall.

Khối lượng giao dịch trên ba sàn New York, American và Nasdaq đạt 7,11 tỷ cổ phiếu, thấp hơn 1,32 tỷ cổ phiếu so với phiên giao dịch liền trước, và thấp hơn 2,54 tỷ cổ phiếu so với mức giao dịch trung bình hàng ngày năm 2009. Số cổ phiếu giảm điểm nhiều gấp đôi số tăng điểm trên sàn New York, trong khi tỷ lệ này tại sàn Nasdaq là 5:2.

Mặc dù niềm tin đã trở lại châu Âu, sau kết quả thanh tra 91 ngân hàng được công bố hồi cuối tuần qua và chỉ số niềm tin tiêu dùng Đức lạc quan hơn dự báo, tuy nhiên chốt phiên giao dịch 28/7, các thị trường khu vực này vẫn xáo trộn. Ngoại trừ, thị trường Pháp tăng nhẹ 0,11%, các thị trường Anh giảm 0,86% và thị trường Đức giảm 0,46%.

Trong khi đó, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều lên điểm, nhờ lợi nhuận khả quan của các doanh nghiệp trong khu vực và tín hiệu tốt từ nền kinh tế châu Âu. Chỉ số All Ordinaries của Australia tăng 0,62%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 2,26%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,29%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,63%.

Đáng chú ý là chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh, tới 2,7%, nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu do đồng Yen suy yếu và lợi nhuận tăng gấp 4 lần của Canon. Thêm vào đó, sản lượng toàn cầu của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản tăng khá trong 6 tháng đầu năm nay, cho thấy nhu cầu tiêu thụ xe mới đang hồi phục, cũng là một yếu tố khác thúc đẩy chỉ số này lên điểm.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones10.537,69 10.497,88Down39,81Down0,38
Nasdaq2.288,25 2.264,56Down23,69Down1,04
S&P 5001.113,84 1.106,12Down7,72Down0,69
Anh FTSE 1005.365,67 5.319,68Down45,99Down0,86
Đức DAX6.207,31 6.178,94Down28,37Down0,46
Pháp CAC 403.666,40 3.670,36Up3,96Up0,11
Đài Loan Taiwan Weighted7.748,01 7.784,81Up36,80Up0,47
Nhật Bản Nikkei 2259.497 9.753Up256,42Up2,70
Hồng Kông Hang Seng20.973 21.091Up117,79Up0,56
Hàn Quốc KOSPI Composite1.768 1.773,47Up5,16Up0,29
Singapore Straits Times2.979,38 2.985,38Up6,00Up0,20
Trung Quốc Shanghai Composite2.699 2.760Up61,15Up2,27
Ấn Độ BSE18.069 17.954,95Down122,66Down0,68
Nguồn: CNBC, Market Watch.