09:19 30/12/2023

Fed tin kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, giới chuyên gia thận trọng

An Huy

Chủ tịch Fed Jerome Powell khép lại năm 2023 bằng cách lấy uy tín của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ra mà đặt cược rằng tình hình năm tới sẽ tốt gần như năm nay...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Cùng thời điểm này năm ngoái, hầu hết các nhà kinh tế học dự báo rằng trong năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong lúc tiếp tục cuộc chiến chống lại làn sóng lạm phát mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Nhưng trên thực tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới năm nay đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác, tỷ lệ thất nghiệp giữ gần mức thấp kỷ lục, và áp lực giá cả cho thấy nhiều tín hiệu xuống thang, với tốc độ lạm phát cả năm đang lùi dần về ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chuỗi dữ liệu kinh tế khả quan hơn dự báo đó đã khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell khép lại năm 2023 bằng cách lấy uy tín của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ra mà đặt cược rằng tình hình năm tới sẽ tốt gần như năm nay.

KỊCH BẢN HOÀN HẢO VỀ NĂM 2024 CỦA FED

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12, Fed công bố cập nhật dự báo kinh tế cho thấy các thành viên FOMC - bộ phận ra quyết sách trong Fed - dự báo sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất quỹ liên bang trong năm 2024, với tổng mức cắt giảm 0,75 điểm phần trăm. Lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất điều hành của Fed, hiện đang ở khoảng 5,25-5,5%, cao nhất 22 năm, sau 11 lần nâng liên tiếp của chiến dịch thắt chặt bắt đầu vào tháng 3/2022.

Dự báo của FOMC được đưa ra dựa trên niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hạn cánh mềm - với lạm phát giảm về mục tiêu của Fed, tốc độ tăng trưởng chỉ giảm nhẹ, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp hợp lý.

“Không ai có thể vạch ra một kịch bản kinh tế hoàn hảo hơn những gì mà FOMC dự báo”, nhà kinh tế trưởng về Mỹ Stephen Stanley của ngân hàng Santander nhận định. “Nếu kịch bản đó trở thành hiện thực, đó sẽ là một điều tuyệt vời. Nhưng khả năng kịch bản đó không trở thành hiện thực rất cao”.

Theo tờ Financial Times, một số chuyên gia kinh tế cho rằng niềm tin của ông Powell là có phần vội vã và sự mềm mỏng của Fed có thể sẽ khiến cho ngân hàng trung ương này gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực dịch chuyển một cách êm ái khỏi quãng thời gian lãi suất cao kéo dài nhiều tháng qua.

“Dự báo của Fed về nền kinh tế năm 2024 rõ ràng là rất lạc quan. Đó chắc chắn là kết quả mà họ mong muốn, nhưng chúng tôi không chắc là họ có đạt được hay không”, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu của công ty TD Securities, ông James Rossiter, phát biểu.

Nhiều chuyên gia đã ngạc nhiên trước sự lạc quan mới của FOMC về nền kinh tế.

“Ông Powell phải gánh một sứ mệnh khó khăn, và trong suốt 18 tháng qua, ông ấy đã gây được ấn tượng tốt. Nhưng gần đây, định hướng chính sách của Fed đã trở nên rất thiếu ổn định”, Chủ tịch Gavyn Davies của công ty quản lý tài sản Fulcrum Asset Management đánh giá.

Mới vào tháng 11, ông Powell còn nhận định rằng quá trình giảm lạm phát ở Mỹ có thể sẽ “gập ghềnh”. Đến giữa tháng 12, ông lại miêu tả chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát có vẻ bằng phẳng hơn. “Lạm phát đang tiếp tục giảm. Thị trường lao động tiếp tục quay trở lại trạng thái cân bằng. Mọi việc đến nay đang ổn. Chúng tôi thấy là mọi việc từ giờ trở đi sẽ khó hơn, nhưng ở hiện tại thì chưa”, Chủ tịch Fed nói trong cuộc họp báo hôm 13/12.

Sau những thông tin khả quan về lạm phát trong mấy tháng qua, giới chức Fed dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - sẽ tăng với tốc độ 2,4% trong năm tới, trước khi giảm tốc về 2,2% trong năm 2025 và về mục tiêu 2% vào năm 2026.

Sự giảm tốc êm ái này của lạm phát - cùng với dự báo mà các thành viên FOMC đưa ra rằng Fed có thể giảm lãi suất 3 lần trong năm 2023 - cho thấy các nhà hoạch định chính sách tin rằng làn sóng lạm phát này chủ yếu là một hiện tượng do vấn đề nguồn cung gây ra. Nói cụ thể hơn, lạm phát cao ở Mỹ thời gian qua xuất phát từ tình trạng khan hiếm lao động và hàng hoá thời Covid-19, thay vì do trạng thái siêu nới lỏng của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong đại dịch.

Nếu đánh giá đó là đúng, ngoại trừ trường hợp xảy ra các cú sốc nguồn cung - chẳng hạn giá dầu tăng vọt hay thương mại toàn cầu lại bị gián đoạn - áp lực giá cả sẽ tiếp tục giảm ngay cả khi Fed có nới lỏng đi chăng nữa.

CẢNH BÁO CỦA GIỚI CHUYÊN GIA

Nhiều nhà phân tích đồng quan điểm với giới chức Fed và dự báo của họ về giá cả. “Bức tranh lạm phát nói chung cho thấy lạm phát đang nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Điều đó mang lại cho Fed một chút thoải mái”, chuyên gia Rossiter của TD Securities phát biểu.

Tuy nhiên, một số khác cảnh báo rủi ro tăng lạm phát vẫn còn đó.

“Nếu tiến trình giảm lạm phát chững lại và có vẻ như con đường giảm lạm phát về mục tiêu 2% trở nên thiếu rõ ràng, giọng điệu của Fed sẽ phải thay đổi”, ông Stanley nói. “Tôi có một chút hoài nghi. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự cải thiện nhanh chóng của bức tranh lạm phát như đã thấy trong mấy tháng qua”.

Ông Davies nói rằng số liệu PCE lõi trong 3 tháng đầu năm sẽ là yếu tố quyết định Fed có thể cắt giảm lãi suất ngay trong mùa xuân hay không. “So với thời điểm 6 tháng trước, tại thời điểm này, khả năng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là cao hơn nhờ sự cải thiện của lạm phát lõi. Nhưng cũng chưa có gì là chắc chắn cả”, ông nói.

Sau cuộc họp tháng 12, các nhà hoạch định của Fed nói rằng trong năm 2024, họ dự định tập trung nhiều hơn vào vấn đề việc làm toàn dụng trong sứ mệnh chống lạm phát. Một trong những điều gây bất ngờ về kinh tế Mỹ năm nay là sự vững vàng của thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp, chỉ 3,8% trong tháng 11. FOMC dự báo tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ lên mức 4,1% trong năm tới - mức vẫn được coi là trong ngưỡng việc làm toàn dụng - khi áp lực giá cả tiếp tục giảm.

Những thời kỳ “giảm lạm phát thuần khiết” như vậy - với tốc độ tăng giá được khống chế mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao - là rất hiếm.

Một số nhà kinh tế học cho rằng dự báo của Fed chẳng khác gì một điều ước. “Nếu Fed tránh việc giảm lãi suất kiểu ‘phủ đầu’, và giữ nguyên lãi suất cho tới nửa sau của năm của năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nhiều. Để giảm lạm phát về 2%, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng tiền lương phải giảm về 3,5% và tỷ lệ thất nghiệp phải tăng lên mức khoảng 4,5%”, nhà kinh tế Andrew Patterson của Vanguard nhận định.

“Chúng tôi cho rằng sẽ có suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2024. Đó sẽ không phải là một cuộc suy thoái sâu, nhưng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6%. Đó sẽ là một sự gia tăng khá mạnh từ tỷ lệ thất nghiệp hiện tại”, ông Rossiter nhận định. “Tất cả các ngân hàng trung ương đều đang hy vọng nền kinh tế của họ sẽ hạ cánh mềm một cách hoàn hảo. Nhưng rất khó để tin rằng họ sẽ đạt được điều đó trong một môi trường có quá nhiều rủi ro địa chính trị. Mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ cho đến bây giờ, nhưng chúng tôi nhận thấy năm 2024 sẽ là một chặng đường gập ghềnh”.