09:52 07/04/2023

FPT tính rót 35-50 triệu USD mỗi năm để M&A công nghệ

Nhĩ Anh

FPT dự tính sẽ đầu tư mỗi năm từ 35- 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A và mở rộng vùng phủ; đồng thời có kế hoạch dành 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp quang biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu, trong đó trọng tâm đầu tư là cáp quang biển….

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT trình bày về định hướng chiến lược FPT 2023- 2025
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT trình bày về định hướng chiến lược FPT 2023- 2025

Chiều ngày 6/4/2023, FPT tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược giai đoạn 2023- 2025 và kế hoạch 2023; phương án sử dụng lợi nhuận 2022 và chính sách chi trả cổ tức năm 2023; ngân sách thu nhập và thù lao của Hội đồng quản trị; phương án phát hành cổ phần cho người lao động…

Theo đó, năm 2023, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 18,8% về doanh thu và 18,2% về lợi nhuận trước thuế, tương đương 52.289 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng.

 
"Khối Công nghệ, hướng đến hợp đồng vài chục, vài trăm triệu USD tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và đầu tư mỗi năm từ 35- 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A và mở rộng vùng phủ. M&A sẽ tập trung chủ yếu ở các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh. Khối Viễn thông đầu tư mạnh vào hạ tầng, có thêm cáp quang biển".
Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa.

Trong đó, Khối Công nghệ, tiếp tục đóng vai trò đầu tầu tăng trưởng với doanh thu dự kiến đạt 31.150 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ và chiếm 59,5% tổng doanh thu. Khối viễn thông dự kiến thu về 16.739 tỷ, tăng 13,6%. Còn mảng giáo dục, đầu tư và khác có thể mang về 4.400 tỷ, tăng 25,1% so với năm 2022.

Về cơ cấu lợi nhuận, mục tiêu lợi nhuận trước thuế khối công nghệ là 4.166 tỷ, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Khối viễn thông dự kiến đạt 3.230 tỷ lãi trước thuế, tăng 14,6% so với năm ngoái. Còn mảng giáo dục, đầu tư và khác có thể ghi nhận 1.659 tỷ lãi trước thuế, tăng 12,2%.

Năm 2023, FPT đặt mục tiêu doanh thu dịch vụ công công nghệ thông tin nước ngoài đạt 1 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng này, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm, nền tảng, giải pháp mới dựa trên các công nghệ lõi như Cloud, AI, Blockchain... đồng thời, tập trung mở rộng kênh bán hàng tới các đối tượng trong đa lĩnh vực ở trong và ngoài nước.

Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết các khối, lĩnh vực kinh doanh sẽ dồn mọi nguồn lực, chắt chiu từng cơ hội để đảm bảo tăng trưởng ổn định. Khối Công nghệ, hướng đến hợp đồng vài chục, vài trăm triệu USD tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và đầu tư mỗi năm từ 35- 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A và mở rộng vùng phủ. Hoạt động M&A sẽ tập trung chủ yếu ở các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh.

Khối Viễn thông đầu tư mạnh vào hạ tầng, có thêm cáp quang biển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hơn các nhà cung cấp dịch vụ khác. Còn mảng giáo dục không chỉ phát triển ở Việt Nam mà dự kiến sẽ mở rộng quy mô ra toàn cầu.

Thông tin về kế hoạch đầu tư, FPT lên kế hoạch dùng 1.800 tỷ đồng đầu tư cho khối công nghệ. Với khối viễn thông, sẽ dành 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu; trong đó trọng tâm đầu tư là cáp quang biển. Trong khối giáo dục, tập đoàn dự định đầu tư 1.700 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng đưa ra Chiến lược DC5- Digital Conglomerate 5.0 hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số kết hợp các sản phẩm tự xây dựng với giải pháp của đối tác giúp nâng cao hiệu suất công việc.

Cùng với đó hình thành Tổ hợp số đem đến trải nghiệm, sản phẩm và dịch vụ tốt nhất và đúng nhất tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, với 5 thành phần cốt lõi: AI- các dịch vụ thông minh; Dữ liệu- hồ dữ liệu đa dạng và dịch vụ tích hợp, liên kết; Định danh; Giao tiếp đa kênh; Điểm chạm- cổng giao tiếp thông minh, tiện lợi giữa Nhà cung cấp và người dùng. Chiến lược cũng đặt mục tiêu 1 triệu nhân lực chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong nước cũng như trên toàn cầu vào năm 2035.