FRT lên kế hoạch góp thêm 225 tỷ vào FPT Long Châu
FRT thông báo Nghị quyết HĐQT về việc góp thêm vốn vào CTCP Dược phẩm FPT Long Châu
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc góp thêm vốn vào CTCP Dược phẩm FPT Long Châu.
Theo đó, FRT thông qua việc tham gia góp vốn thêm vào FPT Long Châu với số vốn góp thêm là 225 tỷ theo hình thức mua 22.500.000 cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần.
Hiện, tổng số vốn góp của công ty tại FPT Long Châu trước khi góp vốn là 225 tỷ đồng. Sau khi góp vốn, nâng tổng số vốn góp tại FPT Long Châu lên 450 tỷ đồng, chiếm 89,83% vốn điều lệ tại FPT Long Châu.
Đồng thời, công ty cũng thông qua việc bà Nguyễn Bạch Diệp - Chủ tịch HĐQT, hiện đang là người đại diện vốn góp của FTP Long Châu, nhân danh công ty quyết định các vấn đề có liên quan đến việc góp vốn này.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt cho biết đà tăng trưởng mạnh duy trì đối với FRT và chuỗi nhà thuốc tiếp tục sinh lời.
Cụ thể: FRT công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 296 tỷ đồng (2,7 lần so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 72% và 58% dự báo cả năm của VCSC. Trong khi doanh thu 9 tháng năm 2022 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, VCSC nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đối với FRT, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Trong quý 3/2022, doanh thu của FRT đạt 7,7 nghìn tỷ đồng (+54% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 85 tỷ đồng (+78% so với cùng kỳ). Chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng điện tử FPT Shop ghi nhận doanh thu tăng 35% so với cùng kỳ trong quý 3/2022, chủ yếu nhờ doanh số smartphone phục hồi mạnh (đặc biệt là iPhone) so với mức cơ sở thấp trong quý 3/2021.
VCSC cho biết, kết quả doanh thu này bị ảnh hưởng một phần bởi mức giảm 21% trong doanh số bán laptop so với mức cơ sở cao trong quý 3/2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng đến doanh số smartphone nhưng thúc đẩy doanh số laptop do người tiêu dùng cần sử dụng laptop cho việc học tập và làm việc tại nhà. Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu của FPT Shop tăng 32% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh số bán hàng online cũng tăng 39% so với cùng kỳ đạt 4,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% doanh thu của FPT Shop trong 9 tháng năm 2022.
Đáng chú ý, chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận doanh thu tăng 2,2 lần so với cùng kỳ trong quý 3/2022 và 2,6 lần so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2022, mà chúng tôi cho rằng chủ yếu nhờ tiến độ mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng (số cửa hàng tăng 2,6 lần so với cùng kỳ đạt 800 cửa hàng tính đến cuối tháng 9/2022).
Theo ước tính của VCSC, doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng của Long Châu tăng từ 920 triệu đồng trong quý 1/2021 và 1 tỷ đồng trong quý 2/2021 lên gần 1,5 tỷ đồng trong quý 1/2022 trước khi quay về mức 1,0 tỷ đồng trong quý 2/2022 và trở lại mức bình thường khoảng 1,1 tỷ đồng trong quý 3/2022. Biên lợi nhuận ròng của Long Châu tăng 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ đạt 0,4% trong 9 tháng năm 2022, nhờ biên lợi nhuận gộp tăng 380 điểm cơ bản so với cùng kỳ bù đắp cho mức tăng 290 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A)/doanh thu (mà chúng tôi cho rằng là do việc tích cực mở rộng chuỗi nhà thuốc kéo theo chi phí thuê, trả lương cũng như chi phí cho marketing tăng mạnh).
Mặt khác, biên lợi nhuận ròng của FRT tăng đạt 1,4% trong 9 tháng năm 2022 từ mức 0,8% trong 9T 2021 và VCSC cho rằng kết quả này là nhờ cả FPT Shop và Long Châu tăng trưởng mạnh với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS lần lượt tăng 2,5 lần và 21 lần so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2022.
Tính đến cuối quý 3/2022, FRT đã sở hữu 745 cửa hàng FPT Shop (so với 647 cửa hàng tính đến cuối năm 2021) và 800 nhà thuốc Long Châu (so với 400 cửa hàng tính đến cuối năm 2021) – đều hoàn thành mục tiêu mở rộng chuỗi cửa hàng của công ty trong năm 2022 và nhìn chung phù hợp với dự báo cả năm 2022 của chúng tôi lần lượt là 767 cửa hàng và 800 cửa hàng.