09:57 17/06/2008

G8 bất lực trước giá dầu tăng

Trung Việt

Các nước G8 đã không đưa ra được giải pháp cụ thể nào cho vấn đề giá dầu tăng, chủ đề đang được cả thế giới quan tâm

Ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông báo sẽ không tăng sản lượng khai thác.
Ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông báo sẽ không tăng sản lượng khai thác.
Dư luận các nước đang rất quan tâm đến các giải pháp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) để đối phó với những vấn đề “nóng” của kinh tế toàn cầu.

Song tại hội nghị vừa diễn ra ở Nhật Bản, các bộ trưởng tài chính G8 đã không đưa ra được giải pháp cụ thể nào cho vấn đề giá dầu tăng, và tuyên bố chung của hội nghị cũng không đề cập đến vấn đề thị trường tiền tệ...

Kinh tế thế giới trước “những làn gió ngược”

Trong tuyên bố chung hôm 14/6, các bộ trưởng tài chính G8 khẳng định, nền kinh tế thế giới đang đối phó với "những làn gió ngược", với giá năng lượng và giá lương thực tăng cao, tạo ra sức ép lớn về lạm phát và sự suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ.

Những điều kiện khó khăn đó đã khiến việc điều chỉnh và lựa chọn các chính sách phù hợp trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi các nước phải có những hành động thích hợp. Các bộ trưởng cũng thảo luận cách thức ngăn chặn tình trạng giá hàng hóa tăng cao ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt sau khi giá dầu thô tăng lên mức cao kỷ lục gần 140 USD/thùng và giá lương thực cao gây ra tình trạng bạo loạn tại một số nước đang phát triển.

Tuy nhiên, ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông báo sẽ không tăng sản lượng khai thác. OPEC cho biết, giá dầu tăng do các yếu tố khác ngoài tầm kiểm soát của họ và dự báo giá dầu sẽ đạt mức 150 USD/thùng vào cuối mùa hè năm nay.

Chính phủ Đức đã ra tuyên bố lo ngại về tác động của giá dầu tăng với kinh tế toàn cầu. Mỹ và nhiều nước khác cảnh báo, nếu OPEC không tăng sản lượng thì chính các nước này cũng phải chịu những tác động tiêu cực khi giá dầu tăng quá cao. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC sẽ xem xét lại việc tăng sản lượng dầu khai thác.

Một số tờ báo phương Tây đã bình luận rằng, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8 lần này đã không tìm ra được giải pháp nào hạn chế tác động của việc giá dầu leo thang đối với kinh tế thế giới - vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay.

Đối phó giá dầu: Chưa có tiếng nói chung

Trước những lo ngại của người tiêu dùng về vấn đề sức mua của đồng tiền giảm do giá dầu tăng; sự phản ứng của giới vận tải, chủ tàu cá về việc tăng giá xăng... chính phủ các nước G8 đang thực hiện những giải pháp hỗ trợ, bù giá theo cách thức không giống nhau.

Ngay trong Liên minh châu Âu (EU), mỗi nước cũng áp dụng một kiểu hỗ trợ. Từ 1/7, Bồ Đào Nha sẽ hạ thuế giá trị gia tăng từ 21% xuống 20%. Trong khi Tây Ban Nha bồi thường cho mỗi gia đình phải đóng thuế một tấm sec trị giá 400 Euro.

Tại Nhật, chính phủ tuyên bố thực hiện chương trình cắt giảm thuế 215 tỷ Yên (khoảng 1,3 tỷ EUR), để giảm khó khăn cho các hộ dân và doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cũng tạo điều kiện cho các đối tượng nói trên vay vốn; đồng thời, trợ cấp cho các hãng kinh doanh vận tải xe buýt phục vụ nông thôn và công ty hàng không; giảm thu thuế đường bộ...

Tại Mỹ, cho tới nay, chính phủ vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào cho vấn đề giá dầu tăng, mặc dù giá xăng đã lên mức 1,1 USD/lít. Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ McCain và Obama đã đề xuất một số giải pháp như miễn thuế tiêu thụ trong mùa hè, hoặc giảm tiêu thụ xăng...

Nhưng Tổng thống Bush tuyên bố: “Sẽ là không trung thực nếu cố tình làm cho người dân Mỹ tin rằng có thể giải quyết vấn đề này bằng biện pháp ngắn hạn”.

Mặc dù tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8 không đề cập tới các thị trường tiền tệ, song mọi đánh giá về những biến động của hoạt động hối đoái đều được chú ý. Các nhà phân tích cho rằng, sự giảm giá của đồng USD là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu và giá lương thực tăng cao do nhiều tiền đầu cơ được đổ vào các thị trường hàng hóa.