16:00 05/12/2023

Gam màu sáng - tối trong "bức tranh" kinh tế của tỉnh Quảng Trị

Nguyễn Thuấn

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhiều ngành kinh tế của tỉnh Quảng Trị duy trì đà tăng trưởng nhẹ, tuy nhiên một số mục tiêu kinh tế năm 2023 của tỉnh này vẫn khó có thể "cán đích"...

Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) về đêm
Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) về đêm

Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị, về nông nghiệp, đối với tiến độ sản xuất cây hàng năm đến ngày 15/11/2023, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được 50.222,9 ha lúa, giảm 0,47% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất và sản lượng sản xuất cây hàng năm đều tăng mạnh, tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Trị có diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 10.866,4 ha, tăng 9,60% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản xuất công nghiệp của Quảng Trị, tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này ước tính tăng 9,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,63%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,73%; sản xuất và phân phối điện tăng 21,61%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,74%.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao do các dự án điện gió, điện mặt trời hoạt động  với công suất tốt hơn năm trước và có thêm 3 dự án điện gió mới đi vào vận hành thương mại làm tăng năng lực sản xuất.

Gam màu sáng - tối trong "bức tranh" kinh tế của tỉnh Quảng Trị - Ảnh 1

Một số sản phẩm chủ yếu trong 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: bia lon tăng 119,31%; gạch khối bằng xi măng, bê tông tăng 77,07%; điện sản xuất tăng 25,79%...Một số sản phẩm tăng thấp: điện thương phẩm tăng 8,06%; nước máy tăng 7,96%; comple, quần áo tăng 7,71%; tinh bột sắn tăng 1,97%...

So với cùng thời điểm năm trước, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng của tỉnh Quảng Trị giảm 3,24%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,61%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,31%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,40%. Theo thành phần kinh tế, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,24%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 4,77%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,55%.

Đối với các ngành thương mại và dịch vụ, tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Quảng Trị ước tính đạt 28.013,49 tỷ đồng, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động cụ thể, như: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 22.359,93 tỷ đồng, chiếm 79,82% tổng mức và tăng 13,87% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhóm hàng có tổng mức bán lẻ hàng hóa lớn và tăng khá như ô tô các loại tăng 35,32%; phương tiện đi lại (trừ ô tô các loại) tăng 29,69%; hàng may mặc tăng 18,60%; lương thực, thực phẩm tăng 15,13%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 12,17%. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 4.249,24 tỷ đồng, chiếm 15,17% tổng mức và tăng 26,65% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 3,63 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng mức và tăng 38,47% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 1.400,69 tỷ đồng, chiếm 5% tổng mức và giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước.

Gam màu sáng - tối trong "bức tranh" kinh tế của tỉnh Quảng Trị - Ảnh 2

Các ngành vận tải hành khách và hàng hóa của Quảng Trị, tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu vận tải ước tính đạt 1.964,75 tỷ đồng, tăng 10,11% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: doanh thu vận tải hành khách 295,48 tỷ đồng, tăng 9,65%; doanh thu vận tải hàng hóa 1.362,65 tỷ đồng, tăng 10,49%; doanh thu dịch vụ hổ trợ vận tải 306,62 tỷ đồng, tăng 8,84%.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tại Quảng Trị, từ đầu năm đến 15/11/2023, toàn tỉnh này có 435 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,58% (-07 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 5.556,70 tỷ đồng, tăng 34,88%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp 12,77 tỷ đồng, tăng 37,05%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 287 doanh nghiệp, tăng 20,59% (+49 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp giải thể là 80 doanh nghiệp, tăng 50,94% (+27 doanh nghiệp); số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 130 doanh nghiệp, giảm 12,75% (-19 doanh nghiệp).

Đối với tình hình đầu tư của tỉnh này, tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 2.761,63 tỷ đồng, bằng 67,04% kế hoạch năm 2023 và giảm 4,38% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.993,53 tỷ đồng, bằng 66,45% kế hoạch và giảm 10,25%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 705,16 tỷ đồng, bằng 69,03% kế hoạch và tăng 16,67%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 62,94 tỷ đồng, bằng 64,35% kế hoạch và tăng 0,73%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng năm 2023 đạt thấp so với kế hoạch do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; vốn đầu tư từ nguồn quỹ sử dụng đất đạt thấp do thị trường bất động sản trầm lắng; vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA thủ tục phức tạp do phải tuân thủ theo yêu cầu của nhà tài trợ; nhà thầu thi công năng lực hạn chế.

Về tiến độ giải ngân vốn, theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị đến 15/11/2023, nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương do tỉnh quản lý năm 2023 đã giải ngân 1.791,9 tỷ đồng, đạt 57,03% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023.

Gam màu sáng - tối trong "bức tranh" kinh tế của tỉnh Quảng Trị - Ảnh 3

Năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh này đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 15/11/2023 là 3.045 tỷ đồng, đạt 75,2% dự toán địa phương năm 2023 và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 2.135 tỷ đồng, đạt 62,8% dự toán địa phương và giảm 39,5%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 900,6 tỷ đồng, đạt 138,5% dự toán địa phương và tăng 60%. Nguyên nhân đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; nhà nước miễn, giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp; thị trường bất động sản trầm lắng, đấu giá đất gặp khó khăn.

Tổng chi ngân sách địa phương từ đầu năm đến 15/11/2023 là 8.872,97 tỷ đồng, đạt 93% dự toán địa phương và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển của tỉnh này là 795,97 tỷ đồng, đạt 57% dự toán địa phương và giảm 24%; chi thường xuyên 4.584,49 tỷ đồng, đạt 72% dự toán địa phương và tăng 1%.