15:47 25/12/2023

Gần 600 tỷ đồng số hoá toàn diện công tác đăng kiểm đến năm 2030

Anh Tú

Theo đề án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện được cấp bản điện tử thay cho bản giấy và tích hợp vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Các phần mềm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tra cứu dữ liệu đăng kiểm cũng được triển khai mạnh mẽ hơn...

Nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin và kinh phí vận hành giai đoạn 2024-2030 khoảng 580 tỷ đồng.
Nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin và kinh phí vận hành giai đoạn 2024-2030 khoảng 580 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 1674/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam".

SỐ HOÁ TOÀN DIỆN

Các trung tâm đăng kiểm tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đang "nóng" dần cuối năm, nhiều tài xế đến xếp hàng sớm để chờ lấy phiếu dẫn đến tình trạng xe xếp hàng dài. Vì vậy, ngay từ giữa tháng 12/2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn chủ phương tiện đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định trực tuyến qua trang web https://www.ttdk.com.vn hoặc ứng dụng để hạn chế việc phải chờ đợi, gây ùn tắc. 

Không chỉ dừng lại ở đăng ký lịch hẹn online, Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cùng các nhiệm vụ, giải pháp để tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp hơn nữa khi đến kiểm định xe cơ giới.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đăng kiểm theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Từ đó, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và đăng kiểm viên khi thực hiện
hoạt động đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với các loại phương tiện, thiết bị.

 

Hình thành các phần mềm, công cụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tra cứu dữ liệu, thông tin đăng kiểm phương tiện; thực hiện các dịch vụ trực tuyến như: đặt lịch đăng kiểm, thanh toán giá/phí trực tuyến... được cung cấp bởi các đơn vị đăng kiểm.

Đến năm 2025, hoàn thiện các phần mềm nội bộ nhằm đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tối thiểu 50% cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến, tài liệu cuộc họp gửi thông qua môi trường trực tuyến nhằm giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy.

Hình thành hệ thống thông tin báo cáo tập trung của Cục Đăng kiểm Việt Nam, kết nối các nguồn số liệu từ các hệ thống nghiệp vụ và số liệu của các cơ quan quản lý khác nhằm cung cấp số liệu, báo cáo đa chiều về hoạt động đăng kiểm phương tiện phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chuyên ngành.

Đáng chú ý, về phục vụ người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2025: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đăng kiểm Việt Nam được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Giao thông vận tải; tối thiểu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.

"Nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử thay thế hồ sơ giấy, giấy chứng nhận bản giấy. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu tích hợp dữ liệu đăng kiểm phương tiện và giấy chứng nhận đăng kiểm vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID) để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ mục tiêu.

Còn mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 đó là các hoạt động quản lý, điều hành của Cục Đăng kiểm Việt Nam được chuyển đổi số một cách toàn diện để có thể triển khai quản lý, vận hành và giao tiếp với người dân, doanh nghiệp chủ yếu trên môi trường trực tuyến.

Tự động hóa tối đa các công tác liên quan đến kiểm tra, kiểm định phương tiện thông qua các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.

Hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý kiểm tra, kiểm định phương tiện giao thông, hướng tới hình thành dữ liệu quốc gia về phương tiện giao thông, nhằm quản lý xuyên suốt quá trình hình thành và khai thác của phương tiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị liên quan để phát triển kinh tế, xã hội.

7 NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Để thực hiện các mục tiêu, đề án đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cũng như cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện một số nội dung; nhiệm vụ của các đơn vị đăng kiểm.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đôi sô đê tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm; quy định, phân cấp trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng hệ thống, khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ kiểm tra, kiểm định phương tiện giao thông. 

"Nghiên cứu, xây dựng phương án thu giá dịch vụ khai thác thông tin từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề quản lý, tái đầu tư, duy trì các hệ thống thông tin", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu đăng kiểm phương tiện, phục vụ công tác quản lý và khai thác dữ liệu. Hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến đăng kiểm phương tiện.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chuyên ngành như: phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa, tàu biển, đường sắt, lĩnh vực công trình biển. Đồng thời, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

 

Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho Cục Đăng kiểm Việt Nam; kinh phí từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, các nguồn vốn hợp pháp khác của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị thuộc đối tượng tham gia đề án; kinh phí tài trợ từ các nước và tổ chức quốc tế.

Nhu cầu kinh phí giai đoạn 2024-2026 và giai đoạn 2027-2030 dự kiến gồm thứ nhất, kinh phí đầu tư xây dựng/thuê dịch vụ công nghệ thông tin dự kiến giai đoạn 2024-2026: 230 tỷ đồng; dự kiến kinh phí giai đoạn 2027-2030: 120 tỷ đồng.

Thứ hai, kinh phí vận hành duy trì dự kiến giai đoạn 2024-2026: 15 tỷ đồng/năm; dự kiến kinh phí giai đoạn 2027-2030: 35 tỷ đồng/năm.