12:16 24/10/2022

Gần 630 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 37 qua TP. Hải Phòng, hoàn thành trong năm 2023

Anh Tú

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng (giai đoạn 1) được đầu tư hơn 628 tỷ đồng dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thành trong năm 2023...

Bổ sung khoảng 4,5 ha giải phóng mặt bằng trong quyết định điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng.
Bổ sung khoảng 4,5 ha giải phóng mặt bằng trong quyết định điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng.

Theo đó, dự án sẽ bổ sung hai đoạn tuyến để thực hiện đầu tư trong giai đoạn 1.

Đoạn thứ nhất từ Km7+400 - Km9+593,42 có điểm đầu tại Km7+400, kết nối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu Sông Hóa, thuộc địa phận xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo. Điểm cuối tại Km9+593,42 kết nối với điểm đầu dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng đang thi công xây dựng, thuộc địa phận xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo.

Đoạn thứ hai từ Km21+220 - Km22+657,21 có điểm đầu tại Km21+220, kết nối với điểm cuối dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng đang thi công xây dựng. Điểm cuối đoạn tuyến tại Km22+657,21 kết nối với tuyến Quốc lộ 37 đoạn từ Vĩnh Bảo - Gia Lộc, thuộc địa phận thị tứ Hà Phương, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo.

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản giữ nguyên như Quyết định số 2868 ngày 11/10/2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1).

Riêng đoạn Km7+400 - Km9+593,42 nền đường qua vùng đất yếu, áp dụng các giải pháp xử lý: thay đất, bấc thấm, cọc cát,... đảm bảo phù hợp với giải pháp xử lý nền đất yếu nền đường đã được Sở Giao thông vận tải Thái Bình triển khai.

 

Theo quyết định điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng, diện tích sử dụng đất khoảng 39,8 ha, trong đó giải phóng mặt bằng bổ sung khoảng 4,5 ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 628 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Cũng theo phương án được duyệt, sau điều chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng bổ sung khoảng 4,5 ha, kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 61,52 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng). Mặc dù vậy, tổng mức đầu tư dự án vẫn giữ nguyên mức hơn 628 tỷ đồng, chỉ điều chỉnh các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng được xác định là hơn 204,6 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 376,5 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 5,4 tỷ đồng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là hơn 25,6 tỷ đồng; chi phí khác gần 6 tỷ đồng và chi phí dự phòng là hơn 10 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải Hải Phòng chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với địa phương và các đơn vị có liên quan kiểm đếm chính xác số liệu giải phóng mặt bằng, tránh trùng lặp khối lượng giải phóng mặt bằng giữa các giai đoạn, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cần thiết theo quy định, triển khai công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ yêu cầu; tuân thủ quy định, chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Bộ Giao thông vận tải và pháp luật.

Nghiên cứu tính toán, so sánh các giải pháp xử lý nền đất yếu để lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài.

Lập kế hoạch triển khai thi công, kế hoạch sử dụng vốn theo quy định, khẩn trương hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Kiểm tra, rà soát trình tự, thủ tục, quá trình thực hiện dự án, đảm bảo chặt chẽ thủ tục, tuân thủ quy định để triển khai các bước tiếp theo. Quản lý chặt chẽ các chi phí của dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Ngoài ra, chỉ đạo tư vấn thiết kế kiểm tra, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án (nếu có), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tuân thủ quy định.

Trước đó, trả lời kiến nghị của Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng về việc triển khai các dự án giao thông trên địa bàn, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn tiếp tục đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng (giai đoạn 1).

Chính phủ cũng ưu tiên bố trí vốn đầu tư 3 dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn qua các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình.

"Đến nay các dự án này đang được triển khai xây dựng và hoàn thành trong năm 2022 - 2023. Việc hoàn thành các dự án này bảo đảm kết nối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm đang phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hải Phòng trong việc triển khai đầu tư hàng loạt tuyến đường quan trọng qua thành phố như: đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Quốc lộ 10 đoạn nối Quảng Ninh - Hải Phòng, đường bộ ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng, đầu tư các bến số 3, số 4, số 5, số 6 của khu bến Lạch Huyện, xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.

 

Quốc lộ 37 là tuyến đường liên tỉnh nối 8 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La. Điểm đầu tuyến tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, điểm cuối tại ngã ba Cò Nòi, thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Đây là tuyến đường quan trọng về mặt kinh tế, chính trị và đảm bảo quốc phòng an ninh, với tổng chiều dài khoảng 485km, được quy hoạch là đường cấp 4 ở khu vực miền núi; các đoạn khu vực đông dân cư, đồng bằng là đường cấp 3.