Gần 66.300 doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia
Việc triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành...
Tính đến ngày 31/10/2023, Cơ chế một cửa Quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối và gần 66.300 doanh nghiệp thực hiện thủ tục.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại ASEAN.
Ngoài ra, đơn vị này cũng tiếp tục xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung và Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026. Hiện, Cơ chế một cửa ASEAN đã duy trì kết nối, trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch. Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023. Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Việc triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Theo khảo sát của VCCI số thời gian và chi phí doanh nghiệp thực hiện thủ tục qua cổng Cơ chế một cửa Quốc gia giảm so với thực hiện bằng phương thức truyền thống. Cụ thể, thời gian giảm từ 5 - 25 giờ tùy theo từng thủ tục. Việc triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia cũng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống trước đây.
Đối với việc kết nối đối tác ngoài ASEAN, Tổng cục Hải quan hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 1, tiếp tục phối hợp để tiến hành giai đoạn 2.
Song song đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam để triển khai trao đổi thử nghiệm chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.
Trong lĩnh vực hải quan, đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử với 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc; 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,6% tờ khai thông quan, với thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.
Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 200/236 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 84,7% số thủ tục hành chính do ngành hải quan thực hiện, trong đó có 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bao gồm các thủ tục hành chính cốt lõi liên quan đến thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hải quan cũng đã hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.