07:56 05/01/2024

Gần nửa triệu vụ phá sản ở Mỹ trong 1 năm

Điệp Vũ

Ngoài ra, trong 2 năm qua, điều kiện tài chính đối với doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ đã thắt chặt nhiều do chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát của Fed...

Khu Manhattan của thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Khu Manhattan của thành phố New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Số đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ tăng 18% trong năm 2023 so với năm trước đó do lãi suất tăng, các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt, và các chính sách hỗ trợ thời Covid-19 kết thúc. Tuy nhiên, so với mức ghi nhận trước đại dịch, số vụ phá sản ở Mỹ trong năm ngoái vẫn ít hơn.

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo từ công ty dữ liệu phá sản Epiq AACER ngày 3/1 cho biết tổng số vụ phá sản ở Mỹ - gồm phá sản doanh nghiệp và phá sản cá nhân - tăng lên mức 445.186 vụ trong năm 2023, từ con số 378.390 vụ trong năm 2022.

Trong đó, số doanh nghiệp xin tái cơ cấu theo Chương 11 Luật phá sản Mỹ tăng 72%, lên 6.569 vụ, từ 3.819 vụ của năm trước. Số vụ phá sản cá nhân tăng 18%, lên 419.550 vụ, từ 356.911 vụ của năm trước.

Trong tháng 12, tổng số vụ phá sản ở Mỹ giảm còn 34.447 vụ, từ 37.860 vụ của tháng 11, nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Số vụ phá sản ở Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, nhưng chưa tới mức đỉnh như con số 757.816 vụ thiết lập vào năm 2019 - năm trước khi Covid trở thành đại dịch.

“Như đã dự báo từ trước, chúng ta chứng kiến số vụ phá sản tăng mạnh trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó chủ yếu là các vụ phá sản doanh nghiệp. Chúng tôi dự báo số vụ phá sản cá nhân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, khi các biện pháp kích cầu thời Covid tiếp tục được rút lại, chi phí đi vay tăng, lãi suất cao hơn, tỷ lệ vỡ nợ tăng, và mức nợ gần kỷ lục của các hộ gia đình”, Phó chủ tịch Michael Hunter của Ipiq AACER nhận định.

Ở thời điểm cuối quý 3 vừa qua, nợ của hộ gia đình ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục 17,3 nghìn tỷ USD - theo dữ liệu từ chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cũng theo dữ liệu này, tỷ lệ vỡ nợ cũng tăng cao hơn, nhưng còn thấp so với trước đại dịch.

Các biện pháp kích cầu thời Covid-19 là một lý do khiến số vụ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp và cá nhân ở Mỹ giảm xuống. Khi các biện pháp này rút lại, tình trạng vỡ nợ và phá sản tăng trở lại như một hệ quả tất yếu.

Ngoài ra, trong 2 năm qua, điều kiện tài chính đối với doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ đã thắt chặt nhiều do chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát của Fed. Chẳng hạn, lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà đã tăng lên mức cao nhất 23 năm trong nửa sau của năm 2023.

Tuy nhiên, trong quý 4 vừa qua, lãi suất đi vay và điều kiện tài chính nói chung ở Mỹ đã dần nới lỏng sau khi Fed phát tín hiệu gần kết thúc chu kỳ tăng năm suất. Trong cuộc họp vào tháng 12 vừa qua, giới chức Fed đã dự báo sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Không chỉ ở Mỹ, số vụ phá sản còn tăng mạnh ở nhiều nền kinh tế khác trong năm qua, với cùng nguyên nhân lãi suất tăng và không còn các biện pháp hỗ trợ thời đại dịch.

Chẳng hạn ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, số vụ phá sản doanh nghiệp đã tăng 25% trong 9 tháng đầu năm ngoái so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 6 trở đi, số công ty phá sản hàng tháng ở nước này liên tục tăng với tốc độ 2 con số so với năm trước - theo số liệu từ cơ quan thống kê Đức Destatis hồi trung tuần tháng 12. Trong Liên minh châu Âu (EU), số vụ phá sản doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm tăng lên mức cao nhất 8 năm và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022 - theo cơ quan thống kê của khối Eurostat.

Ở Pháp, Hà Lan và Nhật Bản, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trong tháng 10/2023 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022 - theo số liệu thống kê chính thức. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết trong một báo cáo gần đây rằng một số quốc gia, bao gồm các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thuỵ Điển và Phần Lan, tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp đã vượt qua mức ghi nhận trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.