GE đàm phán hợp tác với FLC, Bamboo Airways
"Chúng tôi mong muốn nhìn thấy động cơ của GE trong tất cả các máy bay của Bamboo Airways"
"GE là một tập đoàn lớn và uy tín về sản xuất động cơ trên toàn cầu. Ngoài Rolls Royce và các nhà cung cấp khác, GE hiện là một trong những sự lựa chọn số một của FLC. Hy vọng GE sẽ trở thành đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực của chúng tôi".
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, đã đưa ra đề xuất trên trong buổi làm việc ngày 11/9 giữa lãnh đạo FLC, hãng hàng không Bamboo Airways và lãnh đạo GE Global Growth Organization, thuộc tập đoàn đa quốc gia Mỹ General Electric (GE).
"Việc FLC thành lập Bamboo Airways không chỉ để phục vụ khách du lịch tới các quần thể nghỉ dưỡng của FLC tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, mà còn để phục vụ nhu cầu đi lại của gần 100 triệu dân Việt Nam", ông nói.
Là tập đoàn đa quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn thế giới, hiện GE đang trong quá trình đàm phán ký thỏa thuận hợp tác với FLC và hãng hàng không "tân binh" Bamboo Airways để cung cấp động cơ và cho thuê máy bay.
"Chúng tôi rất phấn khích trước kế hoạch và tham vọng của FLC, đồng thời sẵn sàng tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của Bamboo Airways. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy động cơ của GE trong tất cả các máy bay của Bamboo Airways", ông Alex Dimitrief, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GE Global Growth Organization nói tại buổi làm việc.
Về phía mình, FLC đang xem xét lựa chọn động cơ GE không chỉ cho 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner mà cho cả 24 tàu bay A321 NEO mua từ Airbus.
Trong khi đó, GE Capital Aviation Services (GECAS - công ty thành viên của GE) sẽ là đơn vị cho thuê máy bay cho Bamboo Airways, một trong những bước quan trọng để hãng hàng không chuẩn bị cất cánh trong năm nay.
Đáp lại đề xuất của Chủ tịch FLC về việc mong muốn thuê số lượng lớn máy bay, ông Krish Parampathy, Phó chủ tịch GECAS cho biết: "Hiện GECAS đang có 220 máy bay A320/321 được đặt sản xuất và sẽ nhận bàn giao trong những năm tới, nên chúng tôi có đủ năng lực và cam kết sẵn sàng cung cấp số máy bay thuê mà Bamboo Airways mong muốn".
Ngay sau khi ký hợp đồng cho thuê và bàn giao máy bay đầu tiên trong quý 4 này, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán cho thuê 20-30 máy bay trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Đề xuất của người đứng đầu FLC nhất quán với chiến lược "đầu tư lớn ngay từ đầu" mà ông đề cập đến trong cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn Bloomberg. Được Chính phủ cho phép thành lập vào tháng 7 vừa qua, Bamboo Airways dự kiến sẽ "bay luôn 20 chiếc trong năm 2018" với mong muốn nhanh chóng "trở thành gã khổng lồ" với tổng cộng 50-60 máy bay thuê trong năm 2019, chưa kể máy bay mua mới được bàn giao từ 2020.
"Chúng tôi nhận thấy rất rõ cơ hội và tiềm năng của ngành hàng không Việt Nam. Do vậy, chúng tôi hy vọng xây dựng mối quan hệ hợp tác lớn mạnh với FLC và Bamboo Airways trong tương lai," ông Krish Parampathy nói.
Ngoài ra, GECAS cũng sẵn sàng hỗ trợ Bamboo Airways trong vấn đề cung cấp thông tin về thị trường hàng không quốc tế và Việt Nam, và giúp Bamboo Airways nghiên cứu các đường bay quốc tế trong tương lai, đặc biệt là tuyến bay thẳng tới Mỹ.
Với dân số gần 100 triệu dân và các phương tiện vận chuyển như đường sắt, đường bộ, đường thủy ngày càng khó đáp ứng được nhu cầu, Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển dịch vụ vận chuyển hàng không.