Giá cả không còn là yếu tố quan tâm nhất của người tiêu dùng
Đối với người tiêu dùng, giá cả không phải là yếu tố duy nhất được quan tâm, mà hơn thế còn là trải nghiệm mà sản phẩm/dịch vụ mang lại...
Tại sự kiện Tin Dùng Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/12, bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc kinh doanh và đối ngoại Công ty TNHH Cốc Cốc, đã trình bày Báo cáo “Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng”. Theo đó cho thấy sự quan tâm của người Việt về mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt tăng mạnh.
Theo bà Oanh, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt đã thay đổi rõ nét sau hai năm đại dịch. Số liệu báo cáo cho thấy, có gần 30% số người được khảo sát cho biết sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các hình thức mua sắm trực tuyến trong thời gian tới; chỉ 10% cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu.
Khảo sát cũng cho thấy, có tới 47% người dùng chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: Chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng.
Giám đốc Kinh đoanh và Đối ngoại Cốc Cốc đánh giá rằng việc sử dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt hiện có nhiều ưu điểm vượt trội so với các hình thức trực tiếp như: Tiết kiệm thời gian mua bán; linh hoạt thời gian; thanh toán tiện lợi; minh bạch về giá; giá rẻ hơn so với mua trực tiếp; tránh những phiền phức khó chịu…
Thông qua đó, báo cáo cũng đưa ra 4 xu hướng nổi bật nhất mà người Việt quan tâm sau khi dịch bệnh được kiểm soát và cuộc sống của người dân đã quay trở lại quỹ đạo thông thường. Theo đó, 4 xu hướng gồm: Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu; cao cấp hóa; dịch chuyển số, mua sắm online và nâng cao trải nghiệm, giá trị sống.
Trong số này, xu hướng nổi bật nhất của người dùng Việt trên internet chính là mua sắm trực tuyến và thanh toán phi tiền mặt. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của người dân cho nhu cầu dịch chuyển số trong tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Một điểm đáng chú ý nữa là, trong bối cảnh Tết Nguyên Đán Quý Mão đang tới gần, người dùng cũng có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt là về giá cả và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mại.
Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, xu hướng cao cấp hóa cũng là một trong những xu hướng được người Việt thể hiện rõ ngay từ trong nhu cầu cơ bản nhất: ăn và ở. Theo đó, người dùng mạnh tay chi tiêu cho các loại hình lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp trong mùa du lịch. Lượng tìm kiếm về các từ khóa “villa”, “resort”, “khách sạn 5 sao” đều tăng so với quý trước với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 35% và 21%.
Theo bà Mai Thị Thanh Oanh, thông qua các số liệu được đưa ra trong báo cáo trên đã cho thấy, các doanh nghiệp Việt đang trải qua bước chuyển dịch quan trọng do sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng dưới tác động của đại dịch.
Trước những bối cảnh đó, bà Mai Thị Thanh Oanh khuyến nghị các doanh nghiệp cần thu hút sự chú ý của người tiêu dùng bằng cách đề cao giá trị cũng như những lợi ích mà sản phẩm/dịch vụ mang lại, bởi ngày nay người tiêu dùng phổ thông ngày càng chi tiêu thông minh hơn.
Cùng với đó, cần nắm bắt nhu cầu của tầng lớp trung lưu để đón đầu xu hướng cao cấp hóa, bởi xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển với một lượng người tiêu dùng sở hữu sức mua tiềm năng.
Xây dựng chiến lược đa kênh cũng là một giải pháp tiếp theo được chuyên gia Cốc Cốc khuyến nghị, trong đó kênh online chiếm vị trí quan trọng, khi công nghệ số đã và đang hiện diện trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Cuối cùng cần hướng đến việc cung cấp dịch vụ khách hàng vượt trội. “Bởi lẽ, đối với người tiêu dùng, giá cả không phải là yếu tố duy nhất được quan tâm, mà hơn thế còn là trải nghiệm mà sản phẩm/dịch vụ mang lại”, Giám đốc kinh doanh và đối ngoại Công ty TNHH Cốc Cốc nhấn mạnh.