Chủ tịch VUSTA: Không đánh mất mô hình cũ, chuyển đổi số để ngành bán lẻ chiếm lĩnh thị trường
Dù các mô hình truyền thống vẫn đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp vẫn nên chuẩn bị một bài toán xa hơn trong nền kinh tế chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải là đánh mất đi mô hình cũ mà là tận dụng sự thay đổi này để ngành bán lẻ hòa nhập đúng, chiếm lĩnh thị trường trong tương lai...
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhấn mạnh thông điệp này tại Chương trình Tin Dùng Việt Nam năm 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/12.
Phát biểu tại chương trình, TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết Tin Dùng Việt Nam là sự kiện tập trung vào việc lấy ý kiến người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi; sự lựa chọn và những dự định trong tương lai của người tiêu dùng về mua sắm và sử dụng dịch vụ, sản phẩm hàng tiêu dùng thông qua hệ thống ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Năm 2022, Chương trình Tin Dùng Việt Nam đã trải qua 16 năm trên hành trình kiến tạo và phát triển một cộng đồng kết nối giữa nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh phân phối sản phẩm – dịch vụ và người tiêu dùng Việt Nam. Chương trình ghi nhận và vinh danh các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, vì môi trường và sức khỏe cộng đồng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và sử dụng.
Với chủ đề trọng tâm là: Nền tảng số củng cố niềm tin, tiêu chí đánh giá và bình chọn sản phẩm dịch vụ của Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2022 tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ sáng tạo, đổi mới để tăng tốc phục hồi hậu đại dịch Covid-19, mang đến được cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.
Đáng chú ý, năm nay, chương trình đặc biệt vinh danh các sản phẩm, dịch vụ đã áp dụng nền tảng số để kích cầu mua sắm, tạo ra không gian trải nghiệm khách hàng đa nền tảng, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thanh toán không chạm…
Theo Chủ tịch VUSTA, trong thời gian qua, chuyển đổi số sao cho phù hợp với nội tại doanh nghiệp được đánh giá là một chặng đường chông gai, với những khó khăn lớn về chiến lược, công cụ và nguồn lực. Đây cũng là một trong những chủ đề lớn được thảo luận sôi nổi thời gian gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp Việt.
“Với ngành bán lẻ, có thể nói mô hình bán hàng truyền thống vẫn đang chiếm phần lớn nhu cầu tiêu dùng của tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen, tâm lý và hành vi mua sắm của người dùng đang có những thay đổi lớn sau hai năm đại dịch. Các nền tảng đa phương tiện, đa hình thức ngày càng chiếm vai trò quan trọng, đặc biệt là các kênh mua sắm online hoặc sàn thương mại điện tử”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Thực tế đã cho thấy "trong chuyển đổi số thì chiến thắng thuộc về ai dám nghĩ, dám làm và tạo ra sự khác biệt”. Vì vậy, dù các mô hình truyền thống vẫn đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp vẫn nên chuẩn bị cho mình một bài toán xa hơn trong nền kinh tế chuyển đổi số đang chuyển biến rất mau lẹ.
“Chuyển đổi số không phải là đánh mất đi mô hình cũ mà là tận dụng sự thay đổi đó để ngành bán lẻ có thể hòa nhập đúng, chiếm lĩnh thị trường trong tương lai. Không chỉ là sự thay đổi về tư duy, trong “cơn sóng” chuyển đổi số hiện nay, mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ là một giải pháp đa năng cho công cuộc chuyển đổi số.
Họ tìm kiếm một công cụ có thể cùng lúc xử lý tốt các vấn đề của mô hình bán lẻ truyền thống. Đồng thời, khai thác tối đa cơ hội trong bán hàng trực tuyến đa kênh, nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế, thậm chí là tìm cơ hội để phát triển, bứt tốc”, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam khẳng định.
Nhân dịp này, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cũng chúc mừng Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã duy trì và thực hiện tốt Chương trình Tin Dùng trong suốt 16 năm qua.
Ông cũng tin tưởng trong thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa, duy trì và củng cố vững chắc hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đa chiều giữa nhà sản xuất, kênh phân phối và người tiêu dùng, nhằm tạo sự thông hiểu, gắn kết vì sự phát triển thị trường tiêu dùng Việt Nam minh bạch và giá trị.