Giá dầu bật tăng nhờ dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ, Trung Quốc
Loạt dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ và Trung Quốc đưa dầu thô tăng giá trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/4)
Loạt dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ và Trung Quốc đưa dầu thô tăng giá trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/4), hồi lại một phần cú giảm mạnh của phiên trước và nối dài xu hướng biến động mạnh thời gian gần đây.
Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau tăng 0,59 USD/thùng, chốt ở 62,74 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,68 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 59,33 USd/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu cùng giảm gần 5% trong phiên ngày thứ Hai, dưới sức ép từ quyết định nới sản lượng của liên minh OPEC+, cũng như số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng tại Ấn Độ và nhiều khu vực của châu Âu. Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 3 triệu vào ngày 6/4.
"Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên khó có chuyện giá dầu sớm lập lại những mốc cao gần đây", nhà phân tích Tamas Varga thuộc PVM Oil phát biểu. "Cho tới khi có những dấu hiệu rõ ràng về số ca nhiễm giảm xuống, thị trường dầu sẽ còn biến động mạnh".
Phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi số liệu cho thấy ngành dịch vụ ở Trung Quốc tăng tốc mạnh nhất trong 3 tháng.
Ngoài ra, số công việc đăng tuyển ở Mỹ trong tháng 2 đạt mức cao nhất trong 2 năm do nhu cầu nhân sự của các công ty tăng lên. Những dữ liệu này được đưa ra sau báo cáo việc làm khả quan mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước và một báo cáo hôm thứ Hai cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ nước này đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3.
Nhà phân tích Warren Patterson của ING cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ khởi sắc trong nửa cuối của năm nay nhờ kinh tế hồi phục.
Kỳ vọng nay giúp bù đắp lại ảnh hưởng bất lợi đối với giá dầu từ quyết định mà OPEC+ đưa ra hồi tuần trước về tăng thêm 350.000 thùng/ngày trong sản lượng khai thác dầu của liên minh trong tháng 5. Tiếp đó, sản lượng của nhóm sẽ tăng thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối, gồm Nga.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư dầu lửa hiện đang hướng về cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran ở Vienna, Áo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc. Nếu thỏa thuận được thiết lập trở lại, Washington có thể dỡ lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu lửa của Iran.
Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng một sự hồi phục xuất khẩu dầu của Iran - nếu có - sẽ không gây sốc cho thị trường dầu, và sự hồi phục hoàn toàn là điều không thể trước mùa hè năm 2022.