Giá dầu bật tăng nhờ kỳ vọng OPEC giảm sản lượng
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư phiên này cũng được hỗ trợ bởi sự hồi giá của đồng Nhân dân tệ
Giá dầu thế giới hồi phục trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi thị trường kỳ vọng rằng đợt giảm giá gần đây sẽ dẫn tới việc cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư phiên này cũng được hỗ trợ bởi sự hồi giá của đồng Nhân dân tệ sau cú sụt sâu vào đầu tuần.
Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 57,38 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 1,45 USD/thùng, tương đương tăng hơn 2,8%, chốt ở 52,54 USD/thùng.
Đồng Nhân dân tệ giữ đà phục hồi nhẹ nhờ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa ra tỷ giá tham chiếu cao hơn dự báo. Thống kê của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này bất ngờ trở lại với tăng trưởng trong tháng 7, một dấu hiệu cho thấy sự hồi phục của nhu cầu toàn cầu bất chấp sức ép từ chiến tranh thương mại.
"Giá dầu hồi phục nhờ nỗi lo chiến tranh tiền tệ giảm bớt", chiến lược gia Harry Tchilinguirian của BNP Paribas nhận xét.
Ngoài ra, theo ông Tchilinguirian, thông tin nói rằng Saudi Arabia đã thảo luận với các nước sản xuất dầu khác về đợt sụt giá gần đây của dầu thô cũng hỗ trợ giá dầu. Thị trường cho rằng Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới - đang tính đến việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) phải giảm thêm sản lượng.
Trong phiên ngày thứ Tư, giá dầu Brent và WTI cùng giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho thấy tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ tăng sau gần hai tháng giảm liên tục. Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi trong thương chiến Mỹ-Trung khiến thị trường lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Dù giá dầu hồi phục phiên ngày thứ Năm, bà Emily Ashford - Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng thuộc Standard Chartered - không xem đây là dấu hiệu cho một đợt tăng bền vững. Thay và đó, bà Ashford cho rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời của thị trường sau đợt bán tháo quá mạnh vừa rồi.
"Chúng tôi tin rằng thị trường dầu mới chỉ bắt đầu phản ánh nỗi sợ về sự đứt gãy nghiêm trọng và kéo dài trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung", vì chuyên gia nhận xét.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và tiêu thụ dầu nhiều thứ nhì thế giới, tăng 14% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà máy lọc dầu mới ở nước này tăng mua nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, xuất khẩu xăng của Trung Quốc tiếp tục tăng do nguồn cung vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Một quan chức của Saudi Arabia cho biết nước này dự kiến giữ xuất khẩu dầu dưới mức 7 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và tháng 9, mặc nhu cầu mạnh từ khác hàng, nhằm giảm bớt lượng dầu tồn kho trên toàn cầu và đưa thị trường về trạng thái cân bằng.
Căng thẳng địa chính trị ở vùng Vịnh hiện vẫn chưa được giải quyết do Iran từ chối phóng thích con tàu chở dầu của Anh mà nước này bắt giữ vào tháng trước.
Hải quân Mỹ nói rằng tàu bè thương mại của Mỹ nên gửi kế hoạch di chuyển qua eo biển Hormuz và các vùng biển khác thuộc vùng Vịnh tới hải quân Mỹ và Anh để lực lượng có thể hỗ trợ đảm bảo an toàn trong trường hợp cần thiết.