Giá dầu đang đi vào "vùng báo động đỏ”
Lời cảnh báo mà người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra về sự leo thang của giá dầu
Giá dầu "đang đi vào vùng báo động đỏ" là lời cảnh báo mà ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 9/10.
Trong cuộc trao đổi này, ông Birol nói rằng giá năng lượng đắt đỏ "quay trở lại đúng vào một thời điểm xấu, khi nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm đà tăng trưởng. Chúng ta thực sự cần có thêm dầu".
Những đánh giá của người đứng đầu IEA về giá dầu được xem là có ảnh hưởng quan trọng, bởi tổ chức này giữ vai trò tư vấn cho các quốc gia phát triển về chính sách năng lượng và điều phối việc đưa dầu dự trữ chiến lược ra thị trường toàn cầu trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, ông Birol cho biết, ở thời điểm hiện tại, IEA chưa tính đến việc sử dụng đến dự trữ dầu lửa phòng tình huống khẩn cấp.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu thô Brent giao tháng 12 tại thị trường London tăng 1,09 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 85 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 11 tăng 0,67 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, đạt 74,96 USD/thùng.
Đầu tháng này, cả giá dầu Brent và giá dầu WTI cùng đạt mức cao nhất gần 4 năm.
Đợt tăng giá này của dầu thô xuất phát từ nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran. Ngoài ra, sản lượng dầu của một số nước như Venezuela cũng đang giảm mạnh.
Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), và Nga đã có động thái nâng sản lượng, nhưng giới giao dịch dầu lửa vẫn nghi ngờ về khả năng của hai nước này trong việc bù đắp đầy đủ sự hao hụt nguồn cung dầu từ Iran.
Theo số liệu từ hãng tin Reuters, Iran chỉ xuất khẩu 1,1 triệu thùng dầu/ngày trong tuần đầu tiên của tháng 10, so với mức 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9 và 2,5 triệu thùng/ngày vào đầu năm nay.
Cuối tuần trước, chính quyền ông Trump phát tín hiệu có thể miễn trừ trừng phạt đối với một số quốc gia nếu các nước đó vẫn tiếp tục mua dầu lửa của Iran sau ngày 4/11 - thời điểm Mỹ bắt đầu triển khai trở lại các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa Iran. Thông tin này đẩy giá dầu giảm vào đầu tuần, nhưng giá dầu đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên ngày thứ Ba.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank nói rằng số liệu về xuất khẩu dầu lửa của Iran cho thấy "lệnh trừng phạt của Mỹ đã có ảnh hưởng rõ rệt từ trước khi chính thức có hiệu lực trở lại vào đầu tháng 11".
Giá dầu thô tăng đã kéo giá xăng bán lẻ ở Mỹ tăng thời gian gần đây, trở thành một mối lo của ông Trump trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 11. Ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter chỉ trích OPEC và kêu gọi tổ chức này có hành động để kéo giá dầu xuống.
Giá dầu tăng cũng gia tăng sức ép lên nhiều nền kinh tế mới nổi có mức độ tiêu thụ năng lượng cao, đặt ra những lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Birol nói với hãng tin Bloomberg rằng nếu các nước sản xuất dầu lớn không có "những động thái lớn" thì tình hình quý 4 năm nay sẽ "rất, rất thách thức". Ông cũng nói Saudi Arabia có khả năng tăng sản lượng dầu lên 11 triệu thùng/ngày và ông tin nước này sẽ hành động một cách có trách nhiệm.