07:46 24/03/2016

Giá dầu giảm mạnh nhất trong một tháng

Đan Nguyên

Việc dự trữ dầu Mỹ tăng kỷ lục không khác nào một “gáo nước lạnh” dội vào kỳ vọng của nhà đầu tư

Tính trong 13 tuần qua, dự trữ dầu và nhiên liệu của Mỹ đã tăng 10 tuần - Ảnh: Telegraph.
Tính trong 13 tuần qua, dự trữ dầu và nhiên liệu của Mỹ đã tăng 10 tuần - Ảnh: Telegraph.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu giảm sâu nhất trong một tháng do số liệu mới công bố cho thấy tại Mỹ, dự trữ dầu tiếp tục tăng và sản xuất năng lượng cũng không ngừng được mở rộng, theo tin từ Wall Street Journal.

Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ WTI giao tháng 5 giảm 1,66 USD/thùng, tương đương 4% xuống 39,79 USD/thùng.

Trên thị trường London, giá dầu Brent giảm 1,32 USD/thùng, tương đương 3,2%, xuống 40,47 USD/thùng. 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố tổng dự trữ dầu và và nhiên liệu tăng 9,9 triệu thùng lên 1,345 tỷ thùng tính đến ngày thứ Sáu tuần trước. Đây là mức tăng cao kỷ lục, gấp 3 lần so với dự báo của giới chuyên gia.

Ở thời điểm nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin dự trữ dầu giảm, thì việc dự trữ dầu Mỹ tăng kỷ lục trong tuần qua không khác nào một “gáo nước lạnh” dội vào kỳ vọng của họ. 

Tính trong 13 tuần qua, dự trữ dầu và nhiên liệu của Mỹ đã tăng 10 tuần. Riêng dự trữ dầu hiện nay ở mức 532 triệu thùng. Lần gần nhất dự trữ dầu của Mỹ ở trên 500 triệu thùng là vào năm 1930.

“Dự trữ dầu vẫn dư thừa còn sản xuất dầu vẫn ở mức cao, như vậy về căn bản, thị trường chẳng có gì thay đổi”, ông John Macaluso, phó chủ tịch quỹ Tyche Capital Advisors, nhận xét.

Số liệu từ EIA cũng cho thấy sản lượng dầu của Mỹ trong tuần qua chỉ giảm 30 nghìn thùng trong khi đó nhập khẩu dầu lên đến 691 nghìn thùng. 

Còn tại điểm dự trữ dầu Cushing, bang Oklahoma, nơi trung chuyển dầu WTI, giảm 1,3 triệu thùng, dự trữ xăng tại khu vực giảm 4,6 triệu thùng.  

Trước phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu giao tương lai đã tăng trong hơn một tháng qua, tổng mức tăng đạt trên 50%. Thị trường được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu năng lượng tại châu Âu tăng và khả năng Nga, Saudi Arabia và một số nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới sẽ cùng nhau duy trì sản lượng ở mức trung bình của tháng 1. 

Thế nhưng, để cung cầu trên thị trường được cân bằng thực sự, cần đến cả sự hợp tác từ phía Mỹ, song dường như cho đến nay không có gì thay đổi, dù giá dầu đã giảm đến 35% so với mức đỉnh thiết lập vào năm ngoái.

Tính đến hiện tại, theo thông tin từ Qatar, buổi họp của OPEC vào ngày 17/4 sẽ có sự tham gia của nhiều nước sản xuất dầu lớn của thế giới, tuy nhiên Iran và Lybia nhiều khả năng sẽ không tham gia. Thiếu hai thành viên này, sẽ khó có nhiều bước tiến về giảm sản lượng dầu.