13:05 19/04/2021

Số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu lại phá kỷ lục

Bình Minh

Số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu trong vòng 7 ngày qua đã lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, vượt mốc 5,2 triệu ca

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu trong vòng 7 ngày qua đã lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, vượt mốc 5,2 triệu ca, với dịch bùng phát mạnh nhất ở những quốc gia có điều kiện chống dịch kém.

Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho biết số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu đã tăng 12% trong tuần trước so với tuần trước đó.

Xu hướng đáng lo ngại này diễn ra chỉ vài ngày sau khi số ca tử vong vì Covid trên toàn cầu vượt ngưỡng 3 triệu và trong lúc các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng nhằm đưa virus về tầm kiểm soát. Tốc độ tăng mạnh của số ca nhiễm mới cũng phủ bóng lên hy vọng về một sự kết thúc sớm của đại dịch toàn cầu.

Số 5,2 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua vượt kỷ lục cũ thiết lập vào giữa tháng 12 năm ngoái. Tốc độ lây nhiễm của Covid đã chậm lại nhiều ở Mỹ và Anh, nhưng lại đang tăng mạnh ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ và Brazil.

Số ca tử vong vì Covid trên toàn cầu cũng đang có xu hướng tăng tốc trong 1 tháng qua, lên mức 82.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 18/4, bình quân khoảng 12.000 ca mỗi ngày. Trong tuần kết thúc vào ngày 14/3, thế giới có 60.000 ca tử vong vì Covid, bình quân 8.600 ca mỗi ngày - mức đáy gần đây nhất.

Ấn Độ và Brazil là hai nước đóng góp nhiều nhất vào số ca nhiễm mới trên toàn cầu – một cuộc đua mà không nước nào muốn là người thắng cuộc.

Số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu cao chưa từng thấy - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu tính theo tuần từ đầu năm tới nay. Đơn vị: triệu ca - Nguồn: Đại học Johns Hopkisn/Bloomberg.

Đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới và đột ngột, Ấn Độ một lần nữa lại trở thành ổ dịch lớn thứ nhì thế giới, vượt qua Brazil sau khi Brazil vượt Ấn Độ hồi tháng 3. Các bệnh viện từ Mumbai cho tới Sao Paulo đang chịu áp lực lớn do số bệnh nhân phải nhập viện vì Covid tăng mạnh.

Theo số liệu của Bloomberg, Ấn Độ và Brazil hiện mới tiêm vaccine ngừa Covid được cho tương ứng 4,5% và 8,3% dân số, so với tỷ lệ 33% ở Mỹ và 32% ở Anh.

Nhưng không chỉ các quốc gia đang phát triển gần đây gặp trở ngại trong nỗ lực chống đại dịch. Một số trường hợp bị đông máu dạng hiếm gặp ở người tiêm vaccine ngừa Covid do hãng Johnson & Johnson và AstraZeneca sản xuất đã làm gia tăng tâm lý ngại tiêm chủng – một vấn đề mà các chính phủ trên toàn cầu vốn dĩ đã đối mặt.

Các biến thể mới của virus cũng là một nguyên nhân đẩy số ca nhiễm mới tăng cao. Brazil là nơi phát hiện biến chủng P.1 vào tháng 12 năm ngoái, và đây có thể là một trong những biến chủng nguy hiểm nhất. Các nghiên cứu cho thấy rằng biến chủng Brazil, cùng với các biến chủng phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và Anh, là những loại có tốc độ lây lan nhanh nhất.