Giá dầu giữ đà giảm, chạm đáy gần 4 tháng
Khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang là nhân tố hỗ trợ giá “vàng đen”
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi xung đột thương mại đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tiếp tục hỗ trợ giá "vàng đen".
Theo tin từ Reuters, thủ lĩnh không chính thức của OPEC là Saudi Arabia đã phát tín hiệu rằng khối này cùng với Nga, tức nhóm OPEC+, sẽ tiếp tục quản lý nguồn cung dầu toàn cầu để tránh xảy ra tình trạng dư thừa dầu.
"Chúng tôi sẽ làm những việc cần thiết để duy trì sự ổn định của thị trường qua tháng 6. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là giảm bớt lượng dầu tồn kho từ mức cao hiện nay", Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, nói với tờ báo Arab News.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 7 giảm 0,25 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 53,25 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 12/2.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 0,71 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 61,28 USD/thùng, thấp nhất 4 tháng.
Tuần trước, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 8,8% và 6,1%, đưa tháng 5 trở thành tháng giảm giá mạnh nhất trong 6 tháng của hai loại dầu này.
Theo giới phân tích, đợt bán tháo dầu gần đây do mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến OPEC+ củng cố ý định siết chặt sản lượng khai thác dầu.
Nguồn thạo tin cho biết, Saudi Arabia khai thác 9,65 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5, mức sản lượng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho nước này trong thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+. Theo thỏa thuận này, Saudi Arabia có thể khai thác tối đa 10,3 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô hiện đang rất lớn. Không chỉ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, Tổng thống Donald Trump còn dọa áp thuế lên hàng hóa Mexico và chấm dứt ưu đãi thương mại cho Ấn Độ.
Giới phân tích đang cảnh báo về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu nếu xung đột thương mại tiếp tục leo thang hoặc lan rộng. Nếu xảy ra suy thoái, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể suy giảm theo.
"Trọng tâm của thị trường đã dịch chuyển từ vấn đề nguồn cung sang vấn đề nhu cầu, bởi khả năng Mỹ-Trung sớm đạt một thỏa thuận thương mại là rất thấp. Ngoài ra, nỗi lo về vấn đề thuế quan lại nổi lên với một quốc gia nữa là Mexico", ông Jim Ritterbusch, Giám đốc Ritterbusch Association, nhận định trong một báo cáo.