Giá dầu giữ đà tăng nhờ OPEC hạ sản lượng
“Động lực tăng giá đang quay trở lại với thị trường sau khi giá giảm rất sâu”
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, tiếp tục sự phục hồi khỏi mức đáy của 1 năm rưỡi thiết lập vào tháng trước, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và xu thế tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau kết thúc phiên với mức tăng 0,56 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 48,52 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,27 USD/thùng, tương đương tăng khoảng 0,5%, đạt 57,33 USD/thùng.
Hồi tháng 12, giá dầu Brent có lúc trượt dưới 50 USD/thùng, chạm đáy kể từ tháng 7/2017. Kể từ hôm thứ Hai tuần trước đến nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10%, đánh dấu chuỗi 2 tuần tăng giá mạnh nhất trong hơn 2 năm.
"Động lực tăng giá đang quay trở lại với thị trường sau khi giá giảm rất sâu", chiến lược gia Olivier Jakob của Petromatrix nhận xét với hãng tin Reuters. "Giá dầu đã có 5 phiên tăng liên tục, và những gì diễn ra ngày hôm nay là sự nối tiếp của xu hướng đó".
Giá "vàng đen" đang nhận được sự hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số đối tác ngoài khối gồm Nga. Thỏa thuận hạ sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters hồi tuần trước, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 12 giảm 460.000 thùng/ngày, còn 32,68 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của khối và là nước xuất khẩu nhiều dầu nhất thế giới, đi đầu trong việc hạ sản lượng.
Ngày thứ Hai, thị trường tiếp tục đón thông tin nói rằng Saudi Arabia, có kế hoạch giảm mạnh lượng xuất khẩu dầu để đẩy giá lên nhằm cân bằng ngân sách. Nguồn tin là quan chức OPEC tiết lộ với hãng tin Dow Jones rằng Saudi Arabia dự định giảm xuất khẩu dầu 800.000 thùng/ngày từ mức của tháng 11, còn 7,1 triệu thùng/ngày trong tháng 1 này.
"Thị trường đã được đẩy lên bởi tất cả những thông tin đó", ông John Kilduff, nhà sáng lập quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital, phát biểu với hãng tin CNBC. Theo ông Kilduff, Saudi Arabia đang "rất tích cực giải quyết tình trạng thừa dầu mà họ đã rơi vào vì trót cung quá nhiều dầu ra thị trường trước đó do mối lo về lệnh trừng phạt Iran".
Tình trạng cung dầu vượt nhu cầu tiêu thụ trên thế giới hiện nay còn đến từ sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ của Mỹ. Năm ngoái, sản lượng dầu của Mỹ đạt kỷ lục trên 11 triệu thùng/ngày, đưa lượng dầu tồn kho của nước này tăng cao. Ngoài ra, sản lượng dầu của Nga hồi cuối năm 2018 cũng đạt mức cao nhất kể khi Liên Xô tan rã.
"Thị trường dầu lửa đang tiếp tục hồi phục nhờ thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC và đối tác ngoài khối được thực thi, giảm bớt tình trạng thừa dầu mà chúng ta chứng kiến thời gian qua", ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, nhận định.
"Khi thị trường chứng khoán tăng điểm, giá dầu cũng tăng theo", chiến lược gia Tamas Varga của PVM Oil Associates bổ sung.
Thị trường chứng khoán thế giới liên tục đi lên mấy phiên gần đây nhờ việc Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại. Ngoài ra, giới đầu tư cũng yên tâm hơn sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm thứ Sáu hứa sẽ kiên nhẫn và linh hoạt trong chính sách tiền tệ 2019.
Tuy vậy, một loạt ngân hàng lớn vẫn hạ dự báo giá dầu năm nay. Goldman Sachs giảm dự báo giá trung bình của dầu Brent năm 2019 còn 62,5 USD/thùng từ mức 70 USD/thùng, với lý do "những trở ngại vĩ mô lớn nhất kể từ 2015",
Societe Generale giảm 9 USD/thùng trong dự báo về giá dầu Brent trung bình của năm nay, còn 64 USD/thùng. Mức dự báo giá dầu WTI cũng được ngân hàng này giảm 9 USD/thùng, còn 57 USD/thùng.