Giá dầu “hạ nhiệt” sau khi tăng mạnh vào tuần trước
Giá dầu thế giới giảm ngày đầu tuần (14/5) sau khi đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi vào tuần trước
Giá dầu thế giới giảm ngày đầu tuần (14/5) sau khi đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi vào tuần trước. Nhân tố khiến giá dầu đi xuống là hoạt động khoan tìm dầu được đẩy mạnh ở Mỹ, bên cạnh việc châu Âu và châu Á phản đối việc Mỹ áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran.
Tại thị trường London, giá dầu Brent tại thị trường London lúc hơn hơn 14h chiều nay giảm 0,44 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, tương đương giảm gần 0,6%, còn 76,68 USD/thùng.
Giá dầu WTI tại New York cùng thời điểm giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,5%, còn 70,37 USD/thùng, theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI cùng đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, tương ứng là 78 USD/thùng và 71,89 USD/thùng, khi thị trường kỳ vọng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm mạnh sau khi Mỹ tái áp lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này.
"Khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày có thể sẽ bị hạn chế khỏi thị trường dầu lửa toàn cầu một khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran phát huy tác dụng", ông Greg McKenna, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc công ty môi giới hàng hóa tương lai AxiTrader, phát biểu trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.
"Nhưng ai mà dám chắc Iran sẽ bị ảnh hưởng như người ta dự báo… Đức đã tuyên bố sẽ bảo vệ các công ty của Đức khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran đã nói hãng dầu lửa Total của Pháp chưa rút khỏi các mỏ dầu ở Iran, và có vẻ như Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Iran", ông McKenna nói.
Ngoài ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, giá dầu thời gian gần đây tăng cao trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt do nhu cầu tiêu thụ cao kỷ lục của khu vực châu Á, và những nỗ lực hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng các nước sản xuất dầu lớn ngoài khối này, bao gồm Nga.
"Giá dầu tăng gần đây xuất phát từ một số yếu tố bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh, thỏa thuận giữa OPEC và Nga về hạn chế sản lượng, khủng hoảng ở Venezuela khiến sản lượng dầu của nước này sụt giảm…", chiến lược gia trưởng thị trường David Kelly thuộc JP Morgan Asset Management đánh giá.
Tuần trước, giá dầu tăng tuần thứ hai liên tiếp, trong đó giá dầu Brent tăng 3% và giá dầu WTI tăng 1,4%, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Hôm thứ Năm, Bank of America Merill Lynch dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mốc 90 USD/thùng trước cuối quý 2/2019, đồng thời đặt ra khả năng giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong năm tới, thậm chí là sớm hơn.
Tuy vậy, đà tăng của giá dầu vẫn bị kiềm chế bởi hoạt động khoan tìm dầu gia tăng của Mỹ.
Dữ liệu của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes hôm thứ Sáu cho thấy các công ty dầu lửa ở Mỹ đã đưa thêm 10 giàn khoan dầu vào hoạt động trong tuần kết thúc vào ngay 11/5, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 844, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Theo dữ liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) công bố hôm thứ Sáu cũng cho thấy số hợp đồng đầu cơ giá lên dầu lửa đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhiều nhà giao dịch có thể đang hoài nghi về khả năng giá dầu có thể tiếp tục tăng cao hơn.