Giá dầu lên cao nhất gần 1 năm do nguồn cung thắt chặt
Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất 11 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/1), khi nguồn cung dầu bị siết lại
Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất 11 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/1), khi nguồn cung dầu bị siết lại và dự báo lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm có tác dụng lấn át ảnh hưởng của số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trên toàn cầu.
Theo tin từ CNBC, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 2 và tháng 3 để ngăn lượng dầu tồn kho gia tăng. Giới đầu tư tin rằng báo cáo tuần này của Bộ Năng lượng Mỹ sẽ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm tuần thứ 5 liên tiếp.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 56,44 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 56,75 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau chốt phiên với mức tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, đạt 53,21 USD/thùng.
"Bằng cách tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác dầu, Saudi Arabia đang tìm cách đảm bảo rằng thị trường sẽ bị thiếu cung dầu", nhà phân tích Eugen Weinberg thuộc Commerzbank phát biểu.
Kế hoạch giảm sản lượng của Saudi Arabia nằm trong thỏa thuận sản lượng được ký kết mới đây giữa OPEC với một số đối tác ngoài khối gồm Nga, thường gọi là nhóm OPEC+. Trong thỏa thuận này, Saudi Arabia tự nguyện hạ sản lượng, trong khi phần lớn các thành viên còn lại duy trì sản lượng.
Trong năm 2020, OPEC+ giảm sản lượng kỷ lục 7,7 triệu thùng/ngày và nỗ lực này đã đưa giá dầu thế giới hồi phục mạnh sau khi giảm dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4. Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn.
Phiên tăng này của giá dầu còn nhờ kỳ vọng lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm. Giới phân tích dự báo tồn kho dầu của Mỹ giảm tuần thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 2,7 triệu thùng.
Ngoài ra, giá dầu được hỗ trợ thêm bởi triển vọng về một gói kích cầu lớn hơn từ chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Ông Biden đã cam kết sẽ chi hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.
Dù vậy, mối lo về tốc độ lây lan mạnh mẽ của virus corona trên toàn cầu hạn chế phần nào đà tăng của giá dầu. Ngày 12/1, Trung Quốc triển khai các biện pháp hạn chế mới để chống dịch tại các vùng phụ cận của thủ đô Bắc Kinh. Nhật Bản cũng đang có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh khác sau khi đã áp tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và các vùng phụ cận.