Giá dầu lên cao nhất gần 1 năm nhờ Saudi Arabia tuyên bố giảm sản lượng
Phiên tăng này một lần nữa cho thấy sự phục hồi chắc chắn của giá dầu sau đợt sụt giảm chóng mặt vào đầu năm ngoái do Covid-19
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/1), sau khi Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3.
Theo hãng tin CNBC, phiên tăng này một lần nữa cho thấy sự phục hồi chắc chắn của giá dầu sau đợt sụt giảm chóng mặt vào đầu năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vào tháng 4/2020, những dự báo ảm đạm về nhu cầu tiêu thụ dầu đã khiến giá năng lượng này có thời điểm giảm dưới 0.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tăng 2,31 USD/thùng, tương đương tăng 4,85%, đạt 49,33 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm ngoái.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 2,51 USD/thùng, tương đương tăng 4,9%, đạt 53,6 USD/thùng.
Ngày thứ Ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, quyết định không thay đổi sản lượng dầu trong tháng 2 do không có được sự đồng thuận giữa các thành viên.
Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo sau khi OPEC+ nhóm họp, Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 3. Mức hạ sản lượng này của Saudi Arabia sẽ thừa để bù đắp phần sản lượng dầu tăng thêm của Nga và Kazakhstan - hai nước dự kiến tăng sản lượng 75.000 thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3.
"Giá dầu tăng ngay hôm nay là nhờ OPEC+ giảm sản lượng thay vì tăng", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital phát biểu. "Phong tỏa ở Anh đã khiến nhóm này lo ngại".
Tuy nhiên, giá dầu hiện vẫn thấp hơn so với mức trước khi xảy ra đại dịch. Giá dầu WTI chốt năm 2020 ở mức 48,5 USD/thùng, giảm 20,54% so với mức 63 USD/thùng vào thời điểm đầu năm.
OPEC và đồng minh đã tích cực hành động để hỗ trợ giá dầu trong đại dịch, bằng cách giảm sản lượng khai thác kỷ lục 7,7 triệu thùng/ngày. Tại cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái, sau khi thảo luận căng thẳng, OPEC+ quyết định nâng sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, đồng nghĩa mức giảm sản lượng thu hẹp còn 7,2 triệu thùng/ngày nếu so với mức khai thác trước khi có dịch.
Cuộc họp vừa diễn ra của OPEC+ là để bàn phương pháp ứng phó với tình hình mới, khi làn sóng Covid-19 mới xuất hiện.
Nhà giao dịch năng lượng Rebecca Babin thuộc CIBC Private Wealth nhấn mạnh rằng thị trường xem việc Saudi Arabia tự nguyện giảm sản lượng dầu là một tin tích cực, nhưng việc OPEC+ không có được sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng, buộc Saudi Arabia phải hành động một mình, lại là một việc không thể xem nhẹ.
"Tôi xem đây là một dấu hiệu cho thấy rất khó để thuyết phục các thành viên OPEC+ đoàn kết và cùng nhau kiềm chế sản lượng giữa lúc nhu cầu tiêu thụ dầu bị đe dọa bởi các biện pháp phong tỏa, mà vaccine thì được triển khai chậm chạp", bà Babin nói.
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông là một nhân tố khác đẩy giá dầu tăng phiên này. Hôm thứ Hai, Iran tuyên bố đã bắt giữ một tàu chở dầu mà nước này cho là "liên tục vi phạm luật môi trường biển".
"Việc Iran bắt tàu chở dầu một lần nữa gây bất ổn ở khu vực và đặt ra nguy cơ đối với việc vận chuyển dầu qua các tuyến đường biển ở vùng Vịnh. Nếu căng thẳng không xuống thang, giá dầu có thể còn tăng nữa", ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu lửa thuộc Rystad Energy, nhận định.