Giá dầu tăng 11% tuần này
Tính cả tuần này, giá dầu Brent tăng 11% và giá dầu WTI tăng hơn 10%, mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Tuần trước giá dầu giảm hơn 9%...
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27/8), hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây, do một cơn bão lớn xuất hiện trên Vịnh Mexico và đồng USD giảm giá.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,63 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 72,7 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,32 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 68,74 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ hôm 2/8 và của dầu WTI kể từ hôm 12/8.
Các công ty dầu khí bắt đầu tạm ngưng hoạt động khai thác trên Vịnh Mexico để tránh một cơn bão lớn có tên Idaslams dự kiến đổ bộ vào Louisiana vào đầu tuần tới. Các giếng dầu của Mỹ ở khu vực này chiếm 17% tổng sản lượng dầu thô của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu quanh bờ vịnh chiếm 45% tổng công suất lọc dầu của Mỹ.
Đồng USD xuống giá là một nhân tố hỗ trợ nữa cho giá dầu phiên này. Chỉ số Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu rằng Fed có thể cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng từ cuối năm nay, nhưng sẽ không vội tăng lãi suất.
“Thời điểm và tốc độ của việc cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ không nhằm phát đi một tín hiệu trực tiếp về thời điểm nâng lãi suất. Chúng tôi luôn nói rõ rằng tăng lãi suất là một bài kiểm tra khác và nghiêm ngặt hơn”, ông Powell phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole.
Đồng thời, ông Powell nhấn mạnh rằng lạm phát đang vững quanh ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Ông cũng nói thị trường việc làm cần thêm thời gian để hồi phục tới mức tối đa, nhưng đã có những bước tiến rõ rệt về mục tiêu này.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 11% và giá dầu WTI tăng hơn 10%, mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Tuần trước giá dầu giảm hơn 9%.
Sự giằng co trên là kết quả của tâm trạng bấp bênh: nhà đầu tư có lúc lo lắng, song lại có lúc lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong bối cảnh biến chủng Delta của Covid-19 gây ra một làn sóng lây nhiễm phức tạp trên toàn cầu.
“Xét đến những rủi ro từ biến chủng Delta và xét đến chương trình tiêm chủng đang được đẩy nhanh, nhiều khả năng nửa sau của năm nay sẽ chứng kiến sự giằng co của giá dầu trước khi mọi thứ có thể bình thường trở lại trong năm 2022 như hy vọng”, một báo cáo của Eurasia Group nhận định.