Giá dầu tăng 5 tuần không nghỉ, lập đỉnh mới gần 3 năm
Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, hoàn tất tuần tăng thứ 5 liên tiếp...
Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, hoàn tất tuần tăng thứ 5 liên tiếp do kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trưởng vượt nguồn cung và OPEC+ sẽ thận trọng trong vấn đề nới thêm sản lượng khai thác từ tháng 8 năm nay.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, đạt 76,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,75 USD/thùng, tương đương tăng hơn 1%, chốt ở 74,05 USD/thùng.
Đây là mức giá cao nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 10/2008. Tính cả tuần, hai loại dầu tăng giá hơn 3% mỗi loại, ghi nhận chuỗi tăng 5 tuần không nghỉ.
“Giá dầu tăng do triển vọng nhu cầu khởi sắc và kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục ở trong tình trạng nguồn cung bị thắt chặt vì OPEC+ có thể chỉ tăng nhẹ sản lượng tại cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới”, nhà phân tích Edward Moya thuộc Oanda nhận định.
Cuộc họp của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga, sẽ diễn ra vào ngày 1/7. Cuộc họp này sẽ thảo luận về vấn đề có hay không tiếp tục nới lỏng sản lượng từ tháng 8.
“Nhóm này có nhiều dư địa để tăng sản lượng mà không làm trệch hướng sự suy giảm của lượng dầu tồn kho trên toàn cầu, xét đến triển vọng nhu cầu sáng sủa”, chuyên gia Stephen Brennock thuộc công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định.
Về vấn đề nhu cầu, những nhân tố chủ chốt mà OPEC+ sẽ phải cân nhắc là sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhờ việc triển khai vaccine và nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, OPEC+ cũng phải tính tới nhu cầu tiêu thụ dầu bị ghìm lại ở những nền kinh tế nơi Covid-19 bùng phát mạnh.
Triển vọng lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ và nước này tăng xuất khẩu dầu hiện không còn lớn như trước, sau khi một quan chức Mỹ nói rằng những khác biệt lớn vẫn còn tồn tại trong một loạt vấn đề liên quan đến sự tuân thủ của Tehran đối với thoả thuận hạt nhân 2015.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 25/6 nói rằng việc thiếu một thoả thuận lâm thời giữa cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc và Iran về giám sát các hoạt động hạt nhân của nước này là một vấn đề nghiêm trọng mà Washington đã nêu với Tehran.
Cơ quan giám sát hạt nhân cho biết phía Iran chưa có sự phản hồi về gia hạn thoả thuận giám sát hạt nhân kết thúc vào nửa đêm ngày 24/6. Trước đó vài tiếng đồng hồ, Mỹ cảnh báo rằng việc không gia hạn thoả thuận này sẽ cản trở những nỗ lực về khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với các cường quốc.
“Nếu không có một thoả thuận đạt được với Iran trong thời gian từ nay đến ngày 1/7, chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ quay trở lại với việc lên hạn ngạch (quota) khai thác dầu hàng tháng và công bố một mức tăng sản lượng khiêm tốn cho tháng 8 trong cuộc họp vào tuần tới”, một báo cáo của ClearView Energy Partners LLC nhận định.