10:40 12/10/2019

Giá dầu tăng gần 4% tuần này

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nâng tổng mức tăng của cả tuần lên gần 4%

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang là nhân tố chính chi phối diễn biến giá dầu - Ảnh: Reuters.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang là nhân tố chính chi phối diễn biến giá dầu - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nâng tổng mức tăng của cả tuần lên gần 4%, khi thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ-Trung xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, theo trang Market Watch, vụ nổ một tàu chở dầu của Iran cũng làm gia tăng căng thẳng ở vùng Vịnh, đặt ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực được coi là "giếng dầu" của thế giới.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 11 tại thị trường New York tăng 1,15 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 54,7 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất 2 tuần của dầu WTI. Tính cả tuần, loại dầu này tăng giá 3,6%.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 1,41 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, đạt 60,51 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,7%.

Trước tuần này, dầu WTI và dầu Brent cùng có 2 tuần giảm giá liên tiếp.

Trong lúc thị trường dầu lửa đang diễn ra phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giới thạo tin đã tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt một thỏa thuận thương mại giới hạn để xuống thang thương chiến. Thông tin này khiến nhà đầu tư hưng phấn, đưa giá dầu đi lên.

Sau khi thị trường kết thúc giao dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1", với các nhất trí về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, và Trung Quốc mua một lượng lớn hàng hóa nông sản của Mỹ. Thỏa thuận một phần và sơ bộ này là bước tiến lớn nhất nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài 15 tháng qua giữa hai nước.

Vào đầu phiên, giá dầu đã được đẩy lên bởi thông tin về vụ nổ một tàu chở dầu của Iran. Truyền thông nhà nước Iran cho biết con tàu bị hư hại nặng do trúng tên lửa mà nước này nghi là phóng từ cảng Jeddah của Saudi Arabia.

Thông tin về vụ nổ tàu chở dầu của Iran diễn ra trong bối cảnh nước này vẫn đang bị tình nghi đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz xảy ra trong mùa hè năm nay. Ngoài ra, giới chức Mỹ và Saudi Arabia còn tố Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia hồi tháng trước. Về phần mình, Iran phủ nhận dính líu đến bất kỳ vụ tấn công nào trong số này.

"Tin tức về vụ nổ tàu chở dầu của Iran giúp đẩy giá dầu lên, nhưng tâm điểm chú ý của thị trường vẫn là kết quả vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung", nhà phân tích cấp cao Lukman Otunuga thuộc FXTM nhận định với MarketWatch.

"Giá dầu vẫn chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu liên quan đến tình trạng bấp bênh thương mại và những mỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Otunuga nói. "Nếu đàm phán thương mại gây thất vọng, thì giá dầu có thể giảm mạnh cho dù căng thẳng địa chính trị có gia tăng".

Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Sáu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 100.000 thùng/ngày, còn 1 triệu thùng/ngày trong 2019 và 1,2 triệu thùng/ngày trong 2020. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thấp nhất kể từ 2016.

Theo IEA, cơ sở của việc hạ dự báo này là sự giảm tốc của những nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu hàng đầu, gồm châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Trước đó, vào hôm thứ Năm, báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 2019, nhưng giữ nguyên mức dự báo cho năm 2020.

Theo một số chuyên gia, những dữ liệu kinh tế tháng 9 u ám của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể đã ngăn không cho giá dầu tăng cao hơn ở thời điểm hiện tại.

"Tình hình tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục là nhân tố chính chi phối giá dầu trong 2020, bởi tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ khiến tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi", chuyên gia Cailin Birch thuộc The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định.