Giá dầu tăng mạnh sau khi OPEC nâng sản lượng
Cuộc họp của OPEC và Nga chỉ nói là sẽ nâng sản lượng khai thác, nhưng không nói rõ mức tăng là bao nhiêu
Giá dầu thế giới tăng tới 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga nhất trí chỉ tăng nhẹ sản lượng khai thác.
Từ đầu năm 2017 đến nay, OPEC và Nga đã hạn chế khai thác dầu để giảm bớt tình trạng thừa dầu trên toàn cầu. Đến nay, lượng tồn kho dầu của thế giới đã giảm về ngưỡng cân bằng, trong khi nhu cầu tiêu thụ đang có chiều hướng tăng nhanh. Trong bối cảnh như vậy, giá dầu đã leo thang thời gian gần đây, đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi vào tháng 5, dẫn tới những lời kêu gọi OPEC nâng sản lượng.
Cuộc họp của OPEC và đối tác, gồm Nga, diễn ra tại Vienna, Áo chỉ nói là sẽ nâng sản lượng khai thác, nhưng không nói rõ mức tăng là bao nhiêu. Giới phân tích cho rằng OPEC sẽ nâng sản lượng từ 600.00-800.000 thùng/ngày. Trước khi diễn ra cuộc họp, nhiều dự báo cho rằng sản lượng dầu sẽ tăng từ 1-1,5 triệu thùng/ngày, thậm chí là tăng 1,8 triệu thùng/ngày.
"Thị trường đã kỳ vọng sản lượng sẽ tăng mạnh, nhưng điều đó không xảy ra, ít nhất vào lúc này", ông John Kilduff, một chuyên gia thuộc Again Capital, nhấn mạnh.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ tăng 3,04 USD/thùng, tương đương tăng 4,6%, đạt 68,58 USD/thùng. Đây là phiên tăng mạnh nhất của giá dầu WTI kể từ tháng 11/2016.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên với mức tăng 2,5 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, đạt 75,55 USD/thùng.
Tuyên bố không rõ ràng của OPEC khiến giới đầu tư khó có thể xác định chính xác lượng dầu được bổ sung thêm ra thị trường trong thời gian tới là bao nhiêu. Trong khi kỳ vọng tăng sản lượng đã khiến giá dầu giảm nhiều thời gian qua, nên giá dầu phục hồi mạnh sau tuyên bố của OPEC không gây ngạc nhiên.
Giá dầu thế giới đã biến động mạnh trong những năm gần đây. Giá dầu Brent, giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, dao động trên 100 USD/thùng trong suốt mấy năm cho tới tận năm 2014, rồi giảm xuống khoảng 26 USD/thùng vào năm 2016, rồi tăng lên mức 80 USD/thùng vào tháng trước.
Ngoài thỏa thuận hạn chế sản lượng từ năm 2017 của OPEC và Nga, nguồn cung dầu của thế giới gần đây còn giảm do sản lượng giảm sâu ở Venezuela và Libya. Chưa kể, thị trường còn lo việc Iran bị Mỹ tái áp trừng phạt dẫn tới xuất khẩu dầu của nước này giảm, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc.
Phiên ngày thứ Sáu, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho và số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ cùng giảm.
Dữ liệu do công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes công bố cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 22/6, số giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ giảm 1 giàn, còn 862 giàn, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong 12 tuần.