08:32 14/02/2012

Giá dầu thế giới tăng vọt, vàng thoái lui

Diệp Anh

Việc Quốc hội Hy Lạp một ngày trước thông qua chương trình khắc khổ mới, đã tác động mạnh tới các thị trường hàng hóa thế giới

Hầu hết các thị trường đều diễn ra sự tăng giảm đan xen giữa những mặt hàng cùng loại.
Hầu hết các thị trường đều diễn ra sự tăng giảm đan xen giữa những mặt hàng cùng loại.
Việc Quốc hội Hy Lạp một ngày trước thông qua chương trình khắc khổ mới nhằm đổi lại gói giải cứu tiếp theo từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã tác động mạnh tới các thị trường hàng hóa thế giới.

Tuy nhiên, hầu hết các thị trường đều diễn ra sự tăng giảm đan xen giữa những mặt hàng cùng loại.

Dầu thô tăng vọt

Chốt phiên giao dịch 13/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3 tăng 2,24 USD, tương ứng 2,3%, lên 100,91 USD/thùng trên sàn New York. Đây là mức chốt giá cao nhất theo ngày của dầu thô kỳ hạn kể từ phiên giao dịch ngày 10/1 tới nay. Phiên cuối tuần trước, dầu kỳ hạn đã giảm 1,2%.

Bên cạnh nguyên nhân nỗi lo Hy Lạp đã giảm bớt, thị trường dầu còn nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Những lo lắng về nguồn cung dầu xuất phát từ tình hình chính trị bất ổn tại khu vực được xem là rốn dầu của thế giới này đã khiến giá dầu tăng mạnh.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Israel cho biết, một loạt vụ tấn công đã nhằm vào nhân viên sứ quán nước này ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ và thủ đô Tbilisi của Gruzia. Thủ tướng Israel sau đó đã đổ trách nhiệm này lên Iran, cho rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đứng sau các vụ tấn công trên.

Mặc dù Iran đã phủ nhận những cáo buộc của phía Israel, nhưng theo đánh giá của giới phân tích, đây là tình huống nhạy cảm giữa lúc căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran đang leo thang và có nhiều tin đồn rằng Israel sẽ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran.

Một yếu tố khác cũng có tác động tới thị trường dầu thô là việc đồng USD suy yếu. Phiên giao dịch đêm qua, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã lùi xuống 78,896 điểm, từ mức 79,149 điểm trong phiên giao dịch Bắc Mỹ cuối tuần vừa qua.

Cùng đi lên với giá dầu đêm qua, còn có mặt hàng xăng. Chốt phiên 13/2, giá xăng giao tháng 3 tăng 4 cent, tương ứng 1,3%, lên 3,01 USD/gallon. Tuy nhiên, dầu sưởi giảm 2 cent, xuống 3,16 USD/gallon. Khí tự nhiên cùng hạn giảm 5 cent, tương ứng 1,9%, xuống 2,43 USD/ triệu BTU.

Vàng rớt nhẹ

Trong khi đó, giá vàng tương lai hạ nhẹ ngay trước khi diễn ra cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng bộ tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chốt phiên giao dịch 13/2, giá vàng giao tháng 4 giảm 40 cent, chưa tới 0,1%, xuống 1.724,9 USD/ounce trên sàn Comex ở New York.

Đầu phiên, giá vàng tăng nhẹ nhờ tin tức về việc Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp khắc khổ mới để nhận gói giải cứu thứ hai. Thị trường hy vọng, thỏa thuận mới sẽ giúp quốc gia này nhận được gói giải cứu mới, thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và không làm suy yếu tài chính thế giới.

Tuy nhiên, giá vàng sau đó quay đầu giảm trước khi diễn ra cuộc họp của giới chức tài chính Khu vực đồng Euro về việc có cấp gói tài chính mới cho Hy Lạp hay không. Thêm vào đó, tình hình xã hội tại Hy Lạp đang ở trạng thái bất ổn, đã khiến nhiều người lo ngại về tương lai nước này.

Giá của hầu hết các mặt hàng kim loại quý khác cũng đi xuống cùng với vàng, ngoại trừ bạc. Cụ thể, đồng tháng 3 giảm 2 cent còn 3,84 USD/lb, palladium hạ 4,5 USD còn 698,55 USD/ounce, bạch kim tháng 4 hạ 10,1 USD còn 1.649,7 USD/ounce, riêng bạc tăng lên 33,72 USD/ounce.

Nông sản trồi sụt

Thị trường hàng hóa nông sản tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch ngày 13/2. Giá ca cao giao sau tăng 31 USD, tương ứng 1,43%, lên 2.192 USD/tấn, trong khi mặt hàng cà phê arabica quay đầu giảm 2,8 cent, tương ứng 1,29%, xuống đóng cửa ở mức giá 216,6 USD/lb.

Giá gạo chưa xay xát trên sàn CBOT tăng nhẹ 0,11% lên 14,15 USD/cwt. Ngược dòng, yến mạch giảm 0,32% xuống 313 cent/bushel; lúa mì KCB giảm 0,25% xuống 696 cent/bushel; lúa mì CBT giảm 0,23% xuống 645 cent/bushel; ngô hạ nhẹ 0,08% xuống đứng ở 642,5 cent/bushel.