10:26 21/01/2014

Giá dầu thô đi xuống do lo ngại triển vọng cầu 2014

Thanh Hải

Yếu tố cung lấn át cầu đang tiếp tục trở thành mối lo ngại chính cho các giao dịch năng lượng quốc tế trong năm 2014

Giới đầu tư năng lượng đang lo ngại về tình trạng cung ứng dầu thô thế giới trở nên dư thừa - Ảnh: Cbr.<br>
Giới đầu tư năng lượng đang lo ngại về tình trạng cung ứng dầu thô thế giới trở nên dư thừa - Ảnh: Cbr.<br>
Phiên giao dịch năng lượng đầu tuần (ngày 20/1), giá dầu thô thế giới đi xuống, do nhà đầu tư lo lắng trước triển vọng tiêu thụ toàn cầu, đặc biệt sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng sản lượng công nghiệp.

Theo báo cáo được Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế này đã tăng trưởng chậm lại, từ mức 10% trong tháng 11 xuống còn 9,7% trong tháng 12. Điều này đã ngay lập tức gây tác động mạnh lên thị trường năng lượng quốc tế, bởi Trung Quốc vốn là một trong những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Một báo cáo khác cũng có tác động mạnh tới thị trường dầu thô thế giới hôm đầu tuần là báo cáo GDP quý 4/2013 của Trung Quốc tăng trưởng 7,7%, thấp hơn mức tăng trưởng 7,8% trong quý 3. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 7,7% vẫn cao hơn một chút so với các tính toán ban đầu của giới chuyên gia phân tích kinh tế trong cuộc điều tra của Reuters và tờ WSJ.

Kết thúc ngày giao dịch 20/1, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 2 trên bảng giao dịch điện tử ở New York đã giảm 65 cent, tương ứng với mức giảm 0,7%, xuống còn 93,72 USD mỗi thùng. Phiên cuối tuần trước, giá dầu thô hợp đồng kỳ hạn loại này đã tăng được 41 cent, tương ứng với mức 0,4%, lên 94,37 USD mỗi thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York.

Trên sàn hàng hóa London, giá dầu Brent giao tháng 3 cũng giảm nhẹ 8 cent, tương ứng với mức giảm 0,1%, xuống còn 106,27 USD mỗi thùng. Khác với giá dầu thô tại New York, giá dầu Brent đi xuống chủ yếu là xuất phát từ việc Liên minh châu Âu đã chấp thuận nới lỏng những biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ngoài ra còn có vấn đề lượng cung dầu từ Libya.

Các nhà phân tích năng lượng nhìn nhận, việc Libya khôi phục lại một phần sản lượng dầu thô xuất khẩu của nước này sẽ còn kéo giá dầu Brent Biển Bắc đi xuống sâu hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, yếu tố cung lấn át cầu đang tiếp tục trở thành mối lo ngại chính cho các giao dịch năng lượng quốc tế trong năm 2014 và giới đầu tư không thể không quan tâm.

Liên quan tới các loại hàng hóa năng lượng khác, kết thúc ngày giao dịch 20/1, giá khí đốt giao tháng 2 giảm 6 cent, tương ứng với mức giảm 1,5%, xuống còn 4,263 USD/ triệu BTU. Cùng ngày, giá xăng hợp đồng kỳ hạn tháng 2 tăng nhẹ được 1 cent, lên mức 2,632 USD mỗi gallon.