Giá đường tăng cao đến hết năm 2023, cổ phiếu nào "ngọt" nhất?
VnDirect kỳ vọng giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023. Các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như SLS và LSS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng giá đường.
Giá đường thế giới tăng lên gần mức cao nhất trong 6 năm do lo ngại về sản lượng (USD/pound). Giá đường thế giới tăng gần đây chủ yếu do triển vọng nguồn cung đường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi tại Ấn Độ (mưa lớn) và các nhà sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường trong niên vụ 2023-2024.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành đường vừa công bố, VnDirect kỳ vọng giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023.
Theo Euromonitor, nhu cầu đường được dự báo sẽ tăng 1,7% so với cùng kỳ trong năm 2023. Trong khi đó, sản lượng mía đường chế biến dự kiến sẽ đạt 8.764.277 tấn tăng 16,5% so với cùng kỳ và sản lượng đường đạt 870.930 tấn tăng 16,6% so với cùng kỳ trong năm 2023, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ trong năm 2022 đang giảm dần. Do đó, giá đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung do đó đường nhập lậu vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước.
VnDirect kỳ vọng giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ và sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán) và các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây.
Giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới. Tuy nhiên, đường Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu nên giá đường trong nước có thể chỉ tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ trong 6T23 lên 18.500 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá thu mua mía sẽ ổn định hơn so với năm 2022 nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện thích trông mía đảm bảo nguồn cung nội địa.
Trong T2/2023, tại Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ cháy do mùa khô gây thiệt hại về sản lượng mía và thu nhập của người nông dân. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận diện tích trồng mía giảm trong những năm gần đây do nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có lợi nhuận cao hơn.
Các công ty chủ yếu sử dụng nguyên liệu mía trong nước như SLS và LSS sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng tăng giá đường. Trong khi với các doanh nghiệp nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE như QNS hay SBT, giá bán đường cao trong năm 2023 sẽ bù đắp phần nào cho giá đường thô nhập khẩu tăng.
VnDirect lựa chọn cổ phiếu SBT vì đây là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất đường với 46% thị phần. SBT có thể tận dụng xu hướng tăng giá đường và mở rộng biên lợi nhuận do công ty có quy mô vùng mía nguyên liệu lớn nhất tạo vị thế tốt để nắm bắt nhu cầu đường trong nước tăng. Trong giai đoạn 2021-25, SBT có kế hoạch tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000ha. Dự kiến trong niên vụ 2022-23, SBT sẽ đưa 5.000ha vào khai thác trồng mía.
Tuy nhiên công ty có đòn bẩy tài chính cao với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,1x trong ba năm gần đây. Khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp cũng chưa thực sự vững mạnh với chỉ số khả năng thanh toán lãi vay hai năm gần nhất chỉ đạt 1,2-1,4x. Do đó doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực lãi vay trong môi trường lãi suất cao năm 2023.
Rủi ro cho ngành đường trong thời gian tới bao gồm: Buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để có thể tạo áp lực cạnh tranh về giá với đường trong nước; Thời tiết hanh khô ở nhiều vùng mía dễ xảy ra cháy, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng mía. Giá mía giảm sẽ khiến nông dân giảm diện tích mía để chuyển sang cây trồng khác có lợi ích kinh tế cao hơn.