Giá thịt lợn đã dịu xuống
"Trước cuộc họp báo tôi có hỏi một số doanh nghiệp thì được biết giá thịt lợn đã dịu xuống", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ
"Trước cuộc họp báo tôi có hỏi một số doanh nghiệp thì được biết giá thịt lợn đã dịu xuống", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ, chiều 2/12.
Câu hỏi được đặt ra là vấn đề cung-cầu thịt lợn vẫn chưa được xác định rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tính toán đến việc nhập khẩu trong thời gian tới không? giải pháp nguồn cung thịt lợn nhập khẩu được các bộ tính toán như thế nào, việc kiểm soát giá ra sao? liệu cuối năm có giảm hay không, nếu không giảm thì có giữ ổn định hay không?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.
Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn, ông Tiến nêu con số.
Để giảm thiệt hại từ dịch tả lợn Châu Phi, Thứ trưởng Tiến nói, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai quyết liệt và đồng bộ.
Ban Bí thư và Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo rất sát sao để giảm thiểu thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở mức thấp nhất có thể, ông Tiến nhấn mạnh.
Kết quả, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019-là tháng cao điểm. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
Vẫn theo Thứ trưởng thì đã có 6 hội nghị để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và tỉnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế dịch tả lợn châu Phi.
Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.
Ông Tiến cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ này đã báo cáo Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, đồng thời có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên.
Nói thêm về xuất, nhập khẩu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định ngành luôn coi thịt lợn là mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Vì vậy ngành công thương luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: Quang Phúc.
Tuy nhiên, nhận định cá nhân của ông Hải là nếu không cẩn trọng, tới dịp Tết và nhất là cả sau Tết thì thịt lợn vẫn là vấn đề rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả CPI, sự ổn định của nền kinh tế.
Với Trung Quốc, giá thịt lợn tăng 100% vào tháng 9-10, ảnh hưởng đến 1% của GDP, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải cũng khẳng định, trong nhiệm vụ đảm bảo về cung cầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM- những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn nhất của Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh, thành phố khác để nắm được tình hình.
Và một trong những biện pháp là đã chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt.
Quan trọng hơn nữa là kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, mặc dù Việt Nam thiếu thịt lợn nhưng cần lưu ý là 24 quốc gia cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam lại không có hai quốc gia này. Vì vậy dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lại có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước, ông Hải nhấn mạnh.