23:27 29/04/2017

Giá thịt lợn giảm khiến CPI có tháng 4 “đặc biệt” sau 9 năm

Bạch Dương

Giá thịt lợn giảm gần 4% khiến nhóm thực phẩm làm giảm CPI 1,1%. Đây là lần đầu tiên trong gần một thập thiên CPI đứng im trong tháng 4

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,8%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,8%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4. Theo đó, CPI tháng 4 không thay đổi so với tháng trước, tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,9% so với tháng 12 năm trước. Đây là lần đầu tiên CPI đứng im trong tháng 4 kể từ năm 2008 trở lại đây.

Tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,8%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 4 có 7 nhóm mặt hàng hoá tăng giá, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 8,05%, nhóm văn hóa - giải trí và du lịch (+0,1%), thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,1%), hàng hóa và dịch vụ khác (+0,08%), đồ uống và thuốc lá (+0,06%), May mặc, mũ nón, giầy dép (+0,02%), giáo dục (+0,01%).

Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm gồm, giao thông giảm 1,38%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,66%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,24%), bưu chính viễn thông (-0,03%).

Các nguyên nhân tác động chiều tăng lên CPI trong tháng 4, theo Tổng cục Thống kê, là do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, theo đó, giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 10,59% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,41%.

Trong tháng có ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao làm cho chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 giá thịt lợn giảm 3,97% so tháng trước do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng và nhiều tháng qua thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua. Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,11% so với tháng trước.

Giá xăng, dầu mặc dù được điều chỉnh tăng vào ngày 20/4 với mức tăng 350 đồng/lít làm cho nhóm giao thông giảm 1,38% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung của tháng 4 khoảng 0,13%.

Ngoài ra, giá gas giảm 6,55% do các doanh nghiệp giảm giá từ ngày 1/4/2017 với mức giảm là 25.000 đồng/bình 12 kg vì giá gas thế giới giảm cũng khiến CPI giảm.

Như vậy, kết hợp các yếu tố tính giá tăng và giảm trên, CPI không có thay đổi nhiều trong tháng 4.

Tổng cục Thống kê cho biết lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 4/2017 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,5% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,62%.

Về chỉ số giá vàng và USD, trong tháng 4, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng tháng 4 tăng 1,01% so với tháng trước, giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.600.000đồng/chỉ vàng SJC.

Đồng USD liên tục mất giá so với các đồng tiền khác, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở mức 22.600-22.700 VND/USD giảm 0,38% so với tháng trước.

  

Giá thịt lợn giảm khiến CPI có tháng 4 “đặc biệt” sau 9 năm 1
CPI tháng 4 thống kê từ năm 2008 đến 2017.