Giá thịt lợn giảm sâu, doanh nghiệp chăn nuôi Trung Quốc nợ chồng chất
Giá thịt lợn biến động chóng mặt trong hai năm qua đã khiến ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc điêu đứng...
Vào năm 2019, khi giá thịt lợn tăng gấp đôi, 5 công ty sản xuất thịt lợn lớn nhất nước này ra sức mở rộng hoạt động, khiến tổng số nợ của 5 doanh nghiệp tăng gấp 3 lần chỉ trong 2 năm rưỡi - theo một báo cáo của tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings được hãng tin CNBC trích dẫn.
Tuy nhiên, giá thịt lợn giảm cũng nhanh như khi tăng, khiến các công ty chăn nuôi Trung Quốc giờ lâm vào cảnh nợ đầm đìa trong khi giá thịt vẫn ở mức thấp. Số liệu giá tiêu dùng công bố vào tuần trước cho thấy giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 8 giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2019 đã khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm khoảng 40% chỉ sau một thời gian ngắn, theo chuyên gia Flora Chang của S&P - một tác giả của báo cáo nói trên.
“Giá thịt lợn tăng vọt khuyến khích các công ty chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất. Họ vay mượn ồ ạt để mở rộng đàn lợn”, bà Chang cho hay, và nhấn mạnh rằng do đại dịch Covid-19, vốn vay được cấp dễ dàng trong năm 2020.
Ngoài ra, doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi cũng tranh thủ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc. Chẳng hạn, tỉnh Triết Giang trợ cấp 1.500 Nhân dân tệ, tương đương 231 USD, cho mỗi con lợn nái.
3 năm sau, nguồn cung thịt lợn ở Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, trở nên thừa mứa. Giá thịt lợn ở nước này hiện đã lao dốc về mức khoảng 20 Nhân dân tệ/kg, ngang với mức của năm 2019 - theo dữ liệu về giá thịt lợn bán buôn do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cung cấp. Ở giai đoạn đỉnh điểm vào cuối 2019, đầu 2020, giá thịt lợn bán buôn ở Trung Quốc là khoảng 50 Nhân dân tệ/kg.
Giá thịt biến động mạnh chưa từng thấy khiến các công ty chăn nuôi Trung Quốc gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch sản xuất-kinh doanh. “Khả năng hạn chế trong việc lên kế hoạch do không thể lường trước diễn biến giá thịt” đã khiến các công ty gánh nợ chồng chất, theo S&P. Các nhà phân tích thực hiện bản báo cáo nói rằng trong 12 tháng tính đến ngày 30/6 năm nay, tỷ lệ nợ so với lợi nhuận trước thuế của công ty chăn nuôi lợn Wens Foodstuff đã tăng lên mức hơn 9 lần, từ mức chỉ 1,9 lần trong 2020.
Tuy nhiên, báo cáo nói rằng một công ty chăn nuôi lớn khác của Trung Quốc là Muyuan ít bị ảnh hưởng hơn, với tỷ lệ nợ so với lợi nhuận chỉ tăng lên mức 1,3 lần từ mức 1 lần, trong cùng khoảng thời gian nói trên.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm bình ổn giá thịt lợn - mặt hàng thực phẩm có tầm quan trọng lớn ở nước này. Gần đây, nước này khuyến khích người dân tăng tiêu thụ thịt lợn để giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung.
“Giá thịt lợn gần đây đã giảm rất nhanh, và chúng tôi hy vọng mọi người có thể tranh thủ cơ hội này để ăn nhiều thịt lợn hơn, mua nhiều thịt lợn hơn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc Ma Youxiang nói trong một cuộc họp báo hôm 1/9.
Năm 2019, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đẩy mạnh sản xuất không chỉ thịt lợn mà cả thịt gia cầm và thịt bò để bình ổn giá cả. Năm 2020, Trung Quốc đã xả dự trữ thịt lợn quốc gia để “hạ nhiệt” giá thịt.
Giá cổ phiếu các công ty chăn nuôi lợn ở Trung Quốc cũng biến động mạnh không kém giá thịt. Cổ phiếu công ty chăn nuôi New Hope tăng 174% trong năm 2019, sau đó tăng thêm 16% trong năm 2020, rồi giảm hơn 45% từ đầu năm 2021 đến nay.
“Giá thịt lợn sụt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty”, một đại diện của New Hope cho biết. Theo vị này, nguồn cung thịt lợn ở Trung Quốc được dự báo tiếp tục dư thừa trong thời gian tới, với lượng thịt đông lạnh nhập khẩu còn tồn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt đang còn yếu.
Theo chuyên gia Chang của S&P, mất khoảng 9-10 tháng để nuôi một lứa lợn từ lúc lợn nái chửa đến lúc xuất chuồng lợn thịt. Đó là khoảng thời gian để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia thị trường khi giá thịt tăng.
Trên thực tế, việc tham gia chăn nuôi lợn ở Trung Quốc hầu như không gặp rào cản nào chính là một nguyên nhân khiến giá thịt lợn ở nước này dễ biến động, vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường tăng đàn lợn khi giá thịt lên cao, và ngược lại. “Sau dịch tả lợn châu Phi và các tiêu chuẩn về môi trường tăng lên, việc chăn nuôi sẽ khó hơn”, bà Chang nói.
Các chuyên gia của S&P dự báo thị phần của top 5 công ty chăn nuôi lợn lớn nhất ở Trung Quốc sẽ tăng lên mức hơn 15%, từ mức 10,5% ở thời điểm tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị phần 30% của top 5 công ty chăn nuôi lợn lớn nhất ở Mỹ.