10:09 24/10/2008

Giá tiêu dùng lần đầu tiên giảm từ đầu năm

Dương Ngọc

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã giảm 0,19%, và đây là tháng giảm duy nhất tính từ đầu năm đến nay

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không giữ được mức tăng như năm trước, do người dân đã "thắt lưng buộc bụng".
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không giữ được mức tăng như năm trước, do người dân đã "thắt lưng buộc bụng".
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã giảm 0,19%, và đây là tháng giảm duy nhất tính từ đầu năm đến nay.

Trước đó, tháng 1 tăng 2,38%, tháng 2 tăng 3,56%, tháng 3 tăng 2,99%, tháng 4 tăng 2,20%, tháng 5 tăng 3,91%, tháng 6 tăng 2,14%, tháng 7 tăng 1,13%, tháng 8 tăng 1,56%, tháng 9 tăng 0,18%.

Giá tiêu dùng tháng 10 đã giảm do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ các biện pháp kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng. Tính đến đầu tháng 10, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 6,54%, khả năng cả năm chỉ tăng 16 - 18%, tổng dư nợ tín dụng tăng dưới 30% - thấp xa so với tốc độ tăng của năm trước và không vượt ngưỡng do Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm.

Có nguyên nhân do đầu tư và tiêu dùng đã "co" lại. Về đầu tư, nếu năm trước bằng tới 45,6% GDP, cao nhất thế giới, vượt cả Trung Quốc - nước có nhiều năm tăng trưởng hai chữ số - thì năm nay có thể không vượt qua 41%.

Về tiêu dùng - thể hiện chủ yếu ở chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - tăng cao chủ yếu là do giá tăng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ, thì chỉ còn tăng dưới 6%, chưa bằng một nửa tốc độ tăng của năm trước; nếu tính theo tháng thì tốc độ tăng đã thấp dần, thậm chí có tháng còn bị giảm, do người dân đã "thắt lưng buộc bụng".

Có nguyên nhân do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ vẫn tăng cao hơn tốc độ chung; nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản là nhóm ngành duy nhất tăng, lại tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sản xuất lương thực được mùa lớn nhất từ trước tới nay.

Có nguyên nhân do giá cả thế giới gần đây giảm mạnh, gần như ở tất cả các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất, nhập khẩu lớn, nhất là xăng dầu, lương thực, sắt thép, cà phê, hạt điều, cao su, hàng điện tử,... sẽ có tác động kéo mặt bằng giá trong nước xuống theo.

Cũng do những yếu tố trên, mặc dù mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ (hạ lãi suất cơ bản, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, "thả" tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc) và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cuối năm thường cao hơn các tháng khác trong năm, nhưng chắc chắn tốc độ tăng giá tiêu dùng các tháng cuối năm nay và đầu năm sau sẽ thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của các tháng cùng kỳ năm trước (năm 2007 tháng 11 tăng 1,23%, tháng 12 tăng 2,91%, năm 2008 tháng 1 tăng 2,38%, tháng 2 tăng 3,56%, tháng 3 tăng 2,99%, tháng 4, tăng 2,20%, tháng 5 tăng 3,91%).

Đã xuất hiện dự báo, có thể năm tới sẽ có những tháng thiểu phát.