Giá trị giao dịch hàng nghìn tỷ USD, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số Trung Quốc vẫn đang gặp thách thức lớn
Trung Quốc có khoảng 185 tổ chức thanh toán phi ngân hàng được cấp phép khiến cạnh tranh giữa các "ông lớn" ngày một gia tăng, gây áp lực lên đồng nhân dân tệ kỹ thuật số…
Theo giới truyền thông quốc tế, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc vẫn gặp thách thức lớn trong việc áp dụng. Nguyên nhân đến từ chính sự thống trị của Alipay và WeChat Pay trên thị trường thanh toán di động của nước này.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc - tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đã chính thức được triển khai với đầy những hứa hẹn vào năm 2019. Nhưng sự miễn cưỡng của người dùng và sự cạnh tranh từ các hệ thống thanh toán di động như Alipay và WeChat Pay vẫn tiếp tục cản trở tiến trình.
Charles Chang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ tài chính tại Đại học Fudan, giải thích rằng những thách thức này là do lượng người dùng ổn định của các nền tảng hiện có, khiến người tiêu dùng khó chuyển sang sử dụng đồng tiền do nhà nước hậu thuẫn.
Nhìn về tương lai, Chang nhấn mạnh tiềm năng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vượt ra ngoài phạm vi thanh toán, đặc biệt là trong việc cải thiện độ chính xác của việc phân bổ trợ cấp tài chính. Ông nói thêm rằng bằng cách sử dụng nhận dạng kỹ thuật số, loại tiền này có thể giúp ngăn chặn các khiếu nại gian lận, đảm bảo tiền trợ cấp đến được tay người nhận dự kiến một cách an toàn.
Chương trình nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã được mở rộng dần dần, với các dự án thí điểm hiện đang hoạt động tại 26 khu vực trên 17 tỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có mốc thời gian chính thức cho việc triển khai trên toàn quốc, cho thấy cách tiếp cận thận trọng của Chính phủ trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức tồn đọng.
Thị trường thanh toán di động của Trung Quốc hiện đang bị chi phối bởi Alipay (do Ant Group điều hành) và WeChat Pay (Tencent). Kết hợp lại với nhau, các nền tảng này xử lý một khối lượng lớn các giao dịch kỹ thuật số của đất nước.
Trung Quốc có khoảng 185 tổ chức thanh toán phi ngân hàng được cấp phép, điều này càng nhấn mạnh thêm sự đông đúc của hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số của quốc gia này. Ngay cả khi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đạt tổng giá trị giao dịch là 7,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,02 nghìn tỷ USD) tính đến tháng 7/2024, các chuyên gia vẫn còn hoài nghi về khả năng cạnh tranh hiệu quả của nó.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số như một phần trong nỗ lực dẫn đầu cuộc đua CBDC toàn cầu. Tuy nhiên, sự miễn cưỡng của người dùng làm nổi bật các vấn đề sâu xa hơn, đặc biệt là vấn đề quyền riêng tư và khả năng sử dụng.
Đổi mới mới nhất của Trung Quốc trong việc áp dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là việc giới thiệu thẻ CBDC vật lý hiển thị số dư và có mã QR động cũng như khả năng thanh toán ngoại tuyến. Lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm tài chính quốc tế Thâm Quyến lần thứ 18, thẻ này hoạt động giống như thẻ ghi nợ truyền thống, hỗ trợ các tùy chọn chạm/quét để thanh toán.
Việc áp dụng chậm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng phản ánh những thách thức lớn hơn trong không gian tiền kỹ thuật số toàn cầu, khi một báo cáo tiết lộ Trung Quốc là một trong những quốc gia sở hữu dự án tiền điện tử thất bại và lừa đảo nhiều nhất.
Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế công bố vào tháng 6 cho thấy 94% trong số 86 ngân hàng trung ương được khảo sát đang nghiên cứu CBDC, phần lớn tập trung vào các ứng dụng bán lẻ và bán buôn.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Swift), tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu đã tăng đều đặn trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức dưới 5%. Thị phần của đồng tiền này đã giảm xuống 2,93 phần trăm vào tháng trước - mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2023 - xếp hạng là loại tiền tệ hoạt động tích cực thứ năm trong các khoản thanh toán toàn cầu theo giá trị, sau đồng USD, euro, bảng Anh và yên Nhật.
Rui Meng, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - Châu Âu ở Thượng Hải, cho biết công nghệ tích hợp trong đồng nhân dân tệ kỹ thuật số rất phù hợp để kích thích tiêu dùng, bằng cách đặt ra các điều kiện cụ thể để sử dụng trợ cấp và thúc đẩy chi tiêu có mục tiêu.
“Để triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên toàn quốc, phải có các kịch bản ứng dụng thực tế. Ví dụ, phiếu mua hàng tiêu dùng hoặc trợ cấp là những ví dụ phù hợp có thể triển khai thông qua đồng nhân dân tệ kỹ thuật số”, ông Meng cho biết.