Giá vàng bật tăng mạnh mẽ trong lúc chờ báo cáo lạm phát Mỹ
Giới đầu tư đang hy vọng báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố cuối tuần sẽ cho thấy lạm phát trong nền kinh tế Mỹ tiếp tục dịu đi, qua đó củng cố khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay...
Sau hai phiên giảm mạnh xuống đáy 2 tuần, giá vàng thế giới bật tăng mạnh mẽ trở lại trong phiên ngày thứ Năm, tái lập mốc chủ chốt 2.300 USD/oz. Động lực để vàng hồi giá là đồng USD suy yếu khỏi đỉnh của 2 tháng, trong lúc thị trường chờ Mỹ công bố báo cáo lạm phát để tìm manh mối về đường đi của lãi suất.
Lúc hơn 9h sáng nay (28/6) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 7 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ đêm qua, tương đương giảm 0,3%, giao dịch ở mức 2.322,4 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 71,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 700.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Chốt phiên ngày thứ Năm tại New York, giá vàng giao ngay dừng ở mức 2.329,4 USD/oz, tăng 30,6 USD/oz so với mức đóng cửa của phiên trước, tương đương tăng 1,3%.
Hôm thứ Tư, giá vàng giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất kể từ trung tuần tháng 6 do đồng USD tăng giá mạnh lênh đỉnh 2 tháng. Phiên này, khi USD xuống thang, giá vàng nhanh chóng tăng trở lại.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Năm dưới mức 106 điểm. Tuy nhiên sáng nay, chỉ số này lại tăng vượt mốc 106 điểm, tái lập mức đỉnh của 2 tháng.
Số liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ điều chỉnh lần thứ hai công bố ngày 27/6 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Mỹ tăng 1,4%, cao hơn so với mức tăng 1,3% đưa ra trong lần điều chỉnh đầu tiên và không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, đây là một sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu so với mức tăng 3,4% ghi nhận trong quý 4/2023.
Ngoài ra, báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động nước này cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống trong tuần trước, nhưng số người thất nghiệp ở thời điểm giữa tháng 6 tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi.
Nhìn chung, những số liệu này không làm thị trường thay đổi kỳ vọng nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Dù vậy, biến động giằng co mạnh của giá vàng tiếp tục phản ánh tâm lý bấp bênh của nhà đầu tư trước khi đón nhận báo cáo lạm phát quan trọng.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - được dự báo tăng 2,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước, theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Dow Jones.
Giới đầu tư đang hy vọng báo cáo này sẽ cho thấy lạm phát trong nền kinh tế Mỹ tiếp tục dịu đi, qua đó củng cố khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay. Nếu báo cáo PCE yếu hơn dự báo, khả năng này sẽ tăng lên và giá vàng sẽ hưởng lợi. Ngược lại, nếu báo cáo PCE nóng hơn kỳ vọng, giá vàng có thể tụt giảm trở lại.
Trong một báo cáo mới công bố, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cho rằng vàng sẽ là tài sản phòng hộ tốt nhất trước những rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát trên toàn cầu.
“Vàng đã nổi lên là hàng hoá cơ bản tốt nhất để giữ vai trò phòng ngừa rủi ro lạm phát và rủi ro địa chính trị. Kịch bản dự báo chính của chúng tôi là giá vàng sẽ tăng lên mức 2.700 USD/oz trrong năm nay, cao hơn 16% so với mức hiện tại, do nhu cầu mạnh mẽ của ngân hàng rung ương các nền kinh tế mới nổi và của các hộ gia đình ở châu Á.
Vàng có thể giúp bảo toàn giá trị tài sản trước rủi ro sụt giảm của thị trường chứng khoán nếu chiến tranh thương mại nổ ra, và vàng có tiềm năng tăng trong bối cảnh lo ngại về nợ công của Mỹ, hoặc khi Fed không giữ vững được sự độc lập trước một chính quyền mới ở Mỹ”, báo cáo viết.