Giá vàng chững lại sau tin từ Fed, nhu cầu phòng ngừa rủi ro vẫn lớn
Theo một vị chuyên gia, giá vàng có thể tiếp tục tăng trong 2 quý tới đây, vì Fed có thể sẽ không tăng lãi suất đủ nhanh để chống lạm phát...
Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy một lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn nhằm chống lạm phát. Tuy nhiên, nhu cầu phòng ngừa rủi ro do chiến tranh Nga-Ukraine và chống lạm phát lại là những nhân tố hỗ trợ giá vàng.
Vì lý do này, giá vàng quốc tế giằng co trong vùng hẹp và giá vàng miếng trong nước sáng nay (7/4) cũng gần như đi ngang.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,7 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,65 triệu đồng/lượng và 55,45 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,1 triệu đồng/lượng và 68,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 15,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.925,5 USD/oz, giảm 0,8 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 53,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,1%, chốt ở 1.926,3 USD/oz.
Fed đã công bố biên bản cuộc họp tháng 3, trong đó nói rằng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán với tốc độ 95 tỷ USD mỗi tháng bắt đầu từ tháng 5. Ngoài ra, các quan chức Fed cũng ủng hộ mạnh mẽ việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm ít nhất 1 lần trong năm nay.
Giới phân tích xem đây là bằng chứng cho thấy các quan chức Fed giờ đây đang lo ngại rằng họ đã bị muộn trong cuộc chiến chống lạm phát và đang “cuống cuồng” đưa lãi suất cơ bản – hiện ở ngưỡng 0,25-0,25% - về ngưỡng trung tính. Lãi suất trung tính là mức lãi suất về lý thuyết không có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng không gây giảm tốc nền kinh tế.
Là một kênh đầu tư không mang lãi suất, giá vàng đối mặt với áp lực giảm từ chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên, những gì Fed nói trong biên bản cuộc họp tháng 3 không làm gia tăng nhiều sức ép giảm giá đối với vàng, vì tất cả đều nằm trong dự báo trước đó của thị trường.
“Không có gì quá bất ngờ trong biên bản của Fed. Thị trường đã lường trước việc Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures phát biểu.
Theo ông Haberkorn, giá vàng có thể tiếp tục tăng trong 2 quý tới đây, vì Fed có thể sẽ không tăng lãi suất đủ nhanh để chống lạm phát.
Ngoài ra, giới đầu tư toàn cầu vẫn đang có nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro chiến tranh Nga-Ukraine. Chiến sự ở Ukraine vẫn chưa dừng lại, đàm phán giữa hai bên chưa đi đến một kết quả cụ thể nào, trong khi Mỹ và châu Âu tiếp tục đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Tỷ giá đồng USD đang ở vùng đỉnh của 2 năm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở vùng cao nhất 3 năm hiện đang là những yếu tố khác gây bất lợi cho giá vàng, bên cạnh chủ trương thắt chặt của Fed. Chỉ số Dollar Index sáng nay dao động quanh ngưỡng 99,6 điểm, không thay đổi nhiều so với sáng qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ dưới mức 2,6%.
Tuy nhiên, nhu cầu phòng ngừa rủi ro và lạm phát tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Vì lý do này, giá vàng gần đây giằng co trong vùng 1.900-1.950 USD/oz.
“Có một số yếu tố có thể châm ngòi cho một đợt tăng bùng nổ của giá vàng, chẳng hạn lạm phát tiếp tục vượt kỳ vọng, đàm phán Nga-Ukraine sụp đổ, hay một cuộc suy thoái kinh tế”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận xét.