WB: Châu Á đang đứng trước 3 cú sốc kinh tế
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 5/4 nhận định rằng các quốc gia ở khu vực châu Á có thể đối mặt 3 cú sốc kinh tế trong năm nay, bao gồm chiến tranh ở Ukraine, sự giảm tốc mạnh của kinh tế Trung Quốc, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất...
Trên cơ sở nhận định này, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương xuống còn 5%, từ mức 5,4% đưa ra trong lần dự báo trước. WB lo ngại mức tăng trưởng của khu vực này có thể sụt xuống 4% nếu các điều kiện tiếp tục xấu đi, khiến 6 triệu người mắc kẹt dưới ngưỡng nghèo.
Cùng với đó, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng trưởng 5% trong năm nay, giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng 8,1% đạt được vào năm ngoái. Mức tăng này cũng thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2022.
“Đúng lúc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang vượt qua được những làn sóng Covid-19 lặp đi lặp lại, có 3 đám mây đen nổi lên ở đường chân trời, đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế suy giảm và đói nghèo gia tăng”, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực của WB viết.
Lãi suất ở Mỹ tăng lên có thể dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển và đặt ra áp lực mất giá đối với đồng nội tệ của các nước này. Trong tình huống như vậy, các nền kinh tế đang phát triển có thể thắt chặt chính sách tiền tệ trong lúc điều kiện chưa chín muồi, gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế - theo báo cáo.
Trong khi đó, Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, chiến lược chống dịch hà khắc “zero Covid” (không Covid) của nước này, và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản với quy mô khổng lồ của Trung Quốc đang đặt ra trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu trong khu vực.
“Những cú sốc cụ thể đối với hoạt động kinh tế ở Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến các nước ở Đông Á và Thái Bình Dương có hoạt động thương mại ngày càng liên quan nhiều đến thị trường Trung Quốc”, WB nhận định.
Trung Quốc đang chứng kiến đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đợt bùng dịch ở Vũ Hán hồi năm 2020, dẫn tới nhiều thành phố lớn của nước này phải phong toả. Chính quyền Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc và nơi có cảng container lớn nhất thế giới, đã phải phong toả thành phố 25 triệu dân này từ tuần trước.
Những cú sốc bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thông qua việc gây đứt đoạn nguồn cung hàng hoá cơ bản và gia tăng sức ép tài chính – theo WB.
“Chiến tranh và lệnh trừng phạt có thể làm gia tăng giá cả lương thực và năng lượng toàn cầu, gây tổn hại cho tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế”, báo cáo viết và lấy một ví dụ rằng số người nghèo ở Philippines có thể tăng thêm 1,1 triệu nếu giá ngũ cốc tăng 10% trong năm nay.
Không chỉ WB trở nên bi quan về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, giới phân tích cũng đang lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái bắt đầu từ cuối năm 2023 – một báo cáo ngày 5/4 của ngân hàng Đức Deutsche Bank cảnh báo.
Theo trang CNN Business, đây là lần đầu tiên một nhà băng lớn đưa ra dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sắp suy thoái. Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn rằng Fed sẽ “hãm phanh” nền kinh tế quá mức, dẫn tới một hệ quả là đảo lộn sự phục hồi bắt đầu cách đây 2 năm sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra.
“Fed sẽ không tạo ra được một cuộc ‘hạ cánh mềm’. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt hơn sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, báo cáo của Deutsche Bank có đoạn viết.