10:58 18/04/2017

Giá vàng đuối, USD tăng mạnh

Diệp Vũ

Giá USD thế giới và trong nước đồng loạt tăng, trong đó giá USD ngân hàng hướng mốc 22.800 đồng

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Giá vàng thế giới giảm trở lại sau khi lập đỉnh 5 tháng, khiến giá vàng miếng trong nước không còn giữ được mốc 37 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá USD thế giới và trong nước đồng loạt tăng, trong đó giá USD ngân hàng hướng mốc 22.800 đồng.

Lúc hơn 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,9 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 60.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào nhẫn tròn trơn Rồng Thăng Long ở mức 34,89 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 35,34 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,65 triệu đồng/lượng và 36,9 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Do tác động từ việc giá vàng thế giới lên gần 1.300 USD/oz và yếu tố tâm lý trong nước, giá vàng miếng SJC bán ra đã tăng vọt lên 37,4 triệu đồng/lượng vào cuối tuần vừa rồi, cao nhất trong 2 tháng rưỡi, từ mức khoảng 36,6 triệu đồng/lượng vào đầu tuần. Sau đó, giá vàng chuyển sang giằng co mạnh và tuột khỏi mốc 37 triệu đồng/lượng vào hôm qua.

Giới kinh doanh vàng cho biết, vào những thời điểm giá vàng biến động như những ngày gần đây, người dân thường đi mua vàng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc mua vàng khi giá biến động mạnh luôn ẩn chứa rủi ro. Chẳng hạn, từ lúc đầu giờ sáng đến buổi trưa hôm qua, giá vàng sụt trên 300.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới giảm nhẹ sau khi tiến gần mốc 1.300 USD/oz. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/4 tại New York, giá vàng giao ngay hạ 3,8 USD/oz, còn 1.285 USD/oz. Trong phiên châu Á sáng nay, lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng tăng 0,3 USD/oz, đứng ở 1.285,3 USD/oz.

Mức giá này tương đương khoảng 35,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự và chưa tính các chi phí liên quan. Như vậy, so với giá vàng miếng SJC bán lẻ, giá vàng thế giới quy đổi đang thấp hơn 1,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm khi lực mua vàng phòng ngừa rủi ro tạm lắng. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng cũng chưa có thêm bước leo thang nào mới.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 17/4, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Triều Tiên không nên thử thách Tổng thống Mỹ Donald Trump. Về phần mình, khi được hỏi có thông điệp nào muốn gửi đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không, ông Trump nói từ Nhà Trắng: “Hãy cư xử cho tử tế”.

Trong khi đó, giới chức Triều Tiên vẫn nói tình hình đang bên “miệng vực chiến tranh”, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả bằng hạt nhân nếu Mỹ có động thái tấn công.

Đồng USD tăng giá cũng tạo thêm áp lực giảm giá cho vàng. Đồng bạc xanh đã thoát đáy của 5 tháng sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói ông xem đồng USD mạnh trong dài hạn là điều tích cực, dù ông nhất trí với quan điểm của ông Trump rằng đồng USD mạnh sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu của Mỹ trong ngắn hạn.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ tiền mạnh tăng 0,1% trong phiên châu Á sáng nay, lên 100,38 điểm. Tuần trước, chỉ số này chủ yếu ở trên mức 37 triệu đồng/lượng.

Trong nước, giá USD cũng tăng mạnh trên cả thị trường tự do và ngân hàng sáng nay. Một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do lúc hơn 10h báo giá USD ở mức 22.720 đồng (mua vào) và 22.740 đồng (bán ra), tăng 40 đồng so với hôm qua.

Ngân hàng Vietcombank cùng thời điểm niêm yết giá USD ở mức 22.700 đồng (mua vào) và 22.770 đồng (bán ra), tăng 45 đồng so với sáng qua. Eximbank báo giá USD ở mức tương ứng lần lượt là 22.680 đồng và 22.780 đồng.