Giá vàng hồi lại trước giờ Chủ tịch Fed phát biểu
“Khả năng hồi phục của đồng USD và lãi suất vẫn tăng trên thế giới đồng nghĩa nhà đầu tư còn thận trọng với những tài sản có lợi suất thấp hoặc không có lợi suất như vàng”...
Giá vàng thế giới tăng đêm qua và sáng nay (30/11) trong lúc nhà đầu tư chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Giá vàng miếng trong nước đi ngang hoặc giảm, chênh lệch so với giá vàng thế giới rút ngắn còn dưới 15 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.754,2 USD/oz, tăng 3,4 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York - theo dữ liệu từ Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 52,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Ba, giá vàng tăng 8,7 USD/oz, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 1.750,8 USD/oz.
Theo ông David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại quý của High Ridge Future, phần lớn chu kỳ tăng lãi suất này của Fed đã được phản ánh vào giá vàng và nhà đầu tư đang nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” vì cho rằng lạm phát ở Mỹ đã qua đỉnh và sắp đến lúc Fed chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ bớt cứng rắn hơn.
Kể từ khi bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 năm nay, Fed đến nay đã có 6 lần nâng lãi suất, trong đó có 4 lần nâng với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm, gần đây nhất là vào đầu tháng này.
Thị trường đang nghiêng về khả năng Fed sẽ chuyển sang áp dụng bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12. Công cụ FedWatch của sàn CME đang phản ánh khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới là 63,5%. Khả năng Fed tiếp tục đưa ra mức tăng lãi suất như vậy trong cuộc họp tháng 2 là 88%.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày thứ Tư để tìm kiếm tín hiệu về việc bao giờ Fed sẽ giảm tốc độ tăng hoặc dừng tăng lãi suất. Trong bài phát biểu tại Viện Brookings, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ nói về về triển vọng nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động.
Gần đây, giá vàng còn được hỗ trợ bởi xu hướng suy yếu của đồng USD sau khi đạt đỉnh 20 năm vào tháng 10. Tuy nhiên, giá kim loại quý này không thể bứt phá rõ rệt, vì nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ không sớm hạ lãi suất mà sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho tới khi lạm phát giảm về gần mức mục tiêu 2%.
“Khả năng hồi phục của đồng USD và lãi suất vẫn tăng trên thế giới đồng nghĩa nhà đầu tư còn thận trọng với những tài sản có lợi suất thấp hoặc không có lợi suất như vàng”, nhà phân tích Fawad Razaqzada của City Index nhận dịnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - cũng đang trầm lắng do ảnh hưởng của các biện pháp chống Covid.
Dù vậy, việc giá vàng đóng cửa trên mốc chủ chốt 1.750 USD/oz được cho là tín hiệu tốt, giúp kim loại quý này tránh được rủi ro bán tháo trước mắt.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh mức 106,7 điểm, không có nhiều thay đổi so với hôm qua.
Tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank sáng nay là 24.600 đồng và 24.840 đồng, không thay đổi so với sáng hôm qua.
Lúc hơn 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào là 52,95 triệu đồng/lượng và bán ra là 53,9 triệu đồng/lượng, cũng đi ngang so với hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,3 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,6-14,7 triệu đồng/lượng.